Lễ cúng bản của người Cống ở Lai Châu

Thời gian: 1/3- 31/3 Âm lịch
Lễ cúng bản của người Cống là sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn kết mọi người dân trong bản. Vào những ngày lễ, các ngả đường vào bản đều dựng cổng, cắm dấu hiệu kiêng kị không ai được vào bản. Sau đó, từng gia đình làm lễ cúng trên nương cầu mùa màng tốt tươi, cầu thần nước, thần rừng cho mùa màng thuận lợi, côn trùng và chim chóc không phá hoại.
Thầy mo người Cống làm lễ cúng bản
Thầy mo người Cống làm lễ cúng bản
Người Cống là dân tộc thiểu số, cư trú chủ yếu ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Dẫu ít người nhưng người Cống vẫn giữ được nhiều nét văn hóa cổ truyền độc đáo. Ngoài kho tàng truyện thần thoại, ngụ ngôn phong phú thì tục cúng bản vẫn được người Cống lưu giữ nguyên vẹn. Không chỉ là hoạt động văn hóa tâm linh, tục cúng bản còn là hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn kết bà con trong bản. Việc chuẩn bị thường do trưởng bản lo liệu nhưng việc hành lễ do một mình thầy mo tiến hành.
Người dân trong bản mang lễ vật đến góp tại sân nhà trưởng bản. Thầy mo và vợ sẽ chuẩn bị mâm lễ vật cúng thần tại nhà. Mâm lễ vật bao gồm: gạo, hai cặp vòng tay bằng bạc của vợ thầy mo, hai quả trứng, những chiếc lá cây và một bó sợi dây màu sắc sặc sỡ. Lễ cúng bản không diễn ra tại nhà thầy mo mà được thực hiện ở một số nơi đặc biệt với người Cống. 
Mâm lễ cúng bản của người Cống
Mâm lễ cúng bản của người Cống
Người Cống cho rằng nơi có nguồn nước là khu đất linh thiêng nhất trong bản, có sự hiện diện của thần nước và thần rừng. Ngày thường người dân trong bản không được qua lại khu vực này. Đến giờ tốt, thầy mo và người dân trong bản mới được lên đây làm lễ cúng bản. 
Sàn đặt lễ vật trong lễ cúng bản của người Cống
Sàn đặt lễ vật trong lễ cúng bản của người Cống
Trai tráng trong bản chặt cây, phát quang tạo khoảng trống rồi dùng tre, nứa dựng một căn sàn nhỏ để thầy mo đặt lễ vật dâng lên các vị thần. Thầy mo kính cẩn dâng lễ, rót rượu rồi đọc bài cúng. Những bài cúng trong lễ cúng bản đều do tổ tiên truyền lại. 
Sau đó, thầy mo giết gà và mổ lợn để tế thần. Lông gà và gan lợn sẽ được giữ lại để làm thủ tục quan trọng trong phần sau lễ cúng bản. Những chiếc lông gà được cắm xuống ngôi nhà mới dựng để trừ tà. Gan lợn để thầy mo xem bói. Thầy mo nhìn những đường gân trên gan để dự đoán mọi việc sắp tới. Cùng lúc đó, đàn ông trong bản sẽ bắt bếp nấu chín đồ ăn. Sau lễ cúng, mọi người cùng nhau ăn uống theo cách của tổ tiên bao đời của người Cống trên khu đất thiêng, kê đá làm ghế, chặt lá chuối làm mâm. 
Cuối buổi lễ, thầy mo đan tấm liếp, cài lá cây xanh và những chiếc lông gà lên đó làm dấu hiệu cấm bản. Người Cống quan niệm nếu giữ được tấm liếp trong suốt những ngày cấm bản, dân làng sẽ được bình yên. 
Lễ cúng bản không chỉ là dịp thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn mà còn là dịp để đồng bào gặp gỡ nhau, vui chơi thỏa thích, thắt chặt tình đoàn kết, giúp đỡ nhau, xây dựng thôn bản. 

Bài viết về Lai Châu liên quan

Ghi chú bài viết Lễ cúng bản của người Cống ở Lai Châu

Nếu xảy ra lỗi với bài viết Lễ cúng bản của người Cống ở Lai Châu, hoặc nội dung chưa chính xác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để chúng tôi chỉnh sửa lại.
Từ khóa:
Lễ cúng bản của người Cống là sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn kết mọi người dân trong bản. Vào những ngày lễ, các ngả đường vào bản đều dựng cổng, cắm dấu...