Chuẩn bị đón hàng trăm lượt du khách tham dự lễ hội chùa Minh Khánh tại Hải Dương

(lehoi.info) - Từ ngày 4 - 6/12/2010 (tức 29/10 đến 1/11 âm lịch), Lễ hội chùa Minh Khánh sẽ diễn ra tại thị trấn Thanh Hà, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Lễ hội năm nay với phần Rước Sắc được đầu tư quy mô hoành tráng, Ban tổ chức hy vọng sẽ đón hàng trăm lượt du khách trong và ngoài tỉnh về trẩy hội.

Lễ rước sắc ở chùa Minh Khánh
Lễ rước sắc ở chùa Minh Khánh

Lễ rước sắc được diễn ra vào sáng ngày 29/10 âm lịch. Đoàn rước tập kết ở đền Ngự Dội làm lễ xin sắc rồi rước sắc về chùa làm lễ tế xin khai hội. Người tham gia lễ rước gồm các nam thanh, nữ tú từ 18 tuổi trở lên. Đi đầu là đoàn rước phướn Phật, đội múa lân, cờ hội, ban nhạc lễ gồm trống, chiêng cùng các tăng ni phật tử đi kèm. Sau đó là hàng bát bửu do tám cô gái trẻ mặc quần trắng, áo nâu đỏ, đầu chít khăn mang. Đi sau hàng bát bửu là hàng chấp kích do 8 chàng trai trẻ đầu chít khăn, mặc áo nâu đỏ, quần trắng mang. Tiếp đến là kiệu long đình được đặt bát hương và mâm ngũ quả. Sau long đình là đội nghi lễ gồm bát bửu, chấp kích rồi đến long kiệu được trang trí vải đỏ lộng lẫy đặt hòm sắc vua ban. Đi sau đoàn rước là các quan viên, bô lão và dân làng cùng du khách thập phương. Buổi rước diễn ra trong không khí vui tươi, náo nhiệt.

Dâng hương hoa, lễ vật lên chùa
Dâng hương hoa, lễ vật lên chùa

Phần hội có các trò chơi như hát quan họ, múa rối nước, cờ người, diễn chèo, thi mâm ngũ quả và làm bánh dầy. Ban tổ chức cũng hy vọng các hoạt động này sẽ tạo thành điểm nhấn độc đáo cho lễ hội của chùa Minh Khánh năm nay. 

Hàng ngàn người tham dự lễ hội chùa Minh Khánh
Hàng ngàn người tham dự lễ hội chùa Minh Khánh

Chùa Minh Khánh có từ cuối thế kỷ XIII, được trùng tu và tôn tạo nhiều lầ. Đến đầu thế kỷ XX chùa đã có 84 gian gồm: tam quan, tam bảo, điện Phật, nhà tăng, nhà khách, tiền đường, hành lang. Chùa Minh Khánh thờ Phật và thờ Trần Nhân Tông.

Vào ngày lễ hội, 9 khu dân cư của thị trấn làm 9 mâm ngũ quả để tham dự. Các mâm ngũ quả được trình bày theo một số chủ đề như: long lân khánh hội (rồng lân mừng hội); thượng hoàng long chầu nguyệt, hạ tứ linh khánh hội (trên rồng vàng chầu mặt nguyệt, dưới tứ linh mừng hội); tứ linh tòng mẫu (bốn vật thiêng: long, ly, quy, phượng theo mẹ); thượng hoàng long, hạ tứ linh (trên rồng vàng dưới 4 vật thiêng); cửu long tranh châu (chín con rồng tranh ngọc); cửu long bảo tháp (chín con rồng và toà bảo tháp);... Các nguyên liệu được dùng là những sản vật đồng quê như  đu đủ, chuối xanh, bưởi, quất, na, hạt tiêu, hạt nhãn... Những con rồng, phượng, lân trở nên vô cùng đẹp mắt, sống động qua bàn tay tài hoa và trí tưởng tượng phong phú của người dân.

Hải Dư­ơng là mảnh đất văn hiến và giàu truyền thống lịch sử. Trải qua nhiều thế kỷ, các giá trị tiêu biểu đó được gìn giữ, bảo lưu qua hệ thống văn hoá vật thể và phi vật thể đặc sắc như di tích lịch sử, văn hóa,  phong tục tập quán, lễ hội,…Theo điều tra năm 1996, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1098 di tích được phân bố ở hầu khắp các làng xã. Trong số đó, có 140 di tích xếp hạng quốc gia, 02 di tích là Côn Sơn và Kiếp Bạc được xếp hạng đặc biệt quan trọng của quốc gia và 62 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Chùa Minh Khánh được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1990./.

Bài viết về Hải Dương liên quan

1 2 3 4 Tiếp

Ghi chú bài viết Chuẩn bị đón hàng trăm lượt du khách tham dự lễ hội chùa Minh Khánh tại Hải Dương

Nếu xảy ra lỗi với bài viết Chuẩn bị đón hàng trăm lượt du khách tham dự lễ hội chùa Minh Khánh tại Hải Dương, hoặc nội dung chưa chính xác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để chúng tôi chỉnh sửa lại.
Từ khóa:
(lehoi.org) - T ừ ngày 4 - 6/12/2010 (tức 29/10 đến 1/11 âm lịch), Lễ hội chùa Minh Khánh sẽ diễn ra tại thị trấn Thanh Hà, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương....