Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc đón mừng Đại lễ

Theo ông Đặng Việt Cường, Giám đốc Sở VHTTDL Hải Dương, Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay diễn ra ngay trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, vì vậy tỉnh chủ trương tổ chức lễ hội với quy mô lớn hơn, quản lý chặt chẽ hơn và các hoạt động đặc sắc hơn.

Hải Dương là miền đất phía đông kinh thành Thăng Long - Hà Nội, được xem là nơi địa linh nhân kiệt gắn với lịch sử Thăng Long. Ở đây có một địa danh nổi tiếng gắn với tên tuổi những người Anh hùng dân tộc, những danh nhân văn hóa như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, ... Lịch sử đã chọn miền đất xứ Đông để làm nơi tôn vinh tưởng niệm danh nhân đất nước và Côn Sơn, nơi xây đền thờ danh nhân Nguyễn Trãi, cũng như Kiếp Bạc chính là nơi thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo.

Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2010
Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2010

Tổ chức lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc, người Hải Dương thay mặt người Thủ đô và nhân dân cả nước đón khách muôn phương về tôn vinh danh nhân và lịch sử Việt Nam. Năm nay trước thềm Đại lễ 1000 năm, lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc dự kiến khách về dự đông hơn mọi năm. Hướng đến ngày Đại lễ, Ý nghĩa của lễ hội vì thế được nâng lên thành lễ hội đặc biệt. Đây có thể được xem là một trong những sự kiện của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm.

Theo Ban tổ chức Lễ hội, khu vực đền Kiếp Bạc và xung quanh sẽ được tổ chức quy mô hoành tráng, trang trí rực rỡ bằng cờ Tổ quốc và đèn trang trí, hình rồng, cờ thần, hoa, pano, ...  Nhiều biển hiệu quảng bá lễ hội được dựng khắp nơi từ thị xã Chí Linh, thành phố Hải Dương và trên các quốc lộ.

Đoàn rước kiệu về đình
Đoàn rước kiệu về đình

Nhằm theo dõi việc bảo vệ cổ vật trong di tích, đồng thời bảo đảm công tác an ninh trật tự an toàn lễ hội, tỉnh chủ trương đầu tư lắp đặt hệ thống camera an ninh tại đền Kiếp Bạc. Khi lễ hội ngày một đông vui, đây là một điểm hoàn toàn mới trong quản lý lễ hội và bảo vệ di sản văn hóa. Có ngày tại đây có đến hàng vạn người tham gia lễ hội.

Bên cạnh công tác tổ chức điều hành, công tác bảo đảm an ninh trật tự an toàn lễ hội được triển khai chặt chẽ, nghiêm túc. Các dịch vụ phục vụ lễ hội như hàng quán, trông giữ xe cộ sẽ được quản lý kiểm tra chặt chẽ, tránh lợi dụng lễ hội để làm phiền du khách như thu tiền vé gửi xe nhiều cửa, nhiều lần, “chặt chém” về giá cả ăn uống, ...

Quan trọng nhất vẫn là vấn đề nội dung trong lễ hội. Đây là lễ hội hướng về Đại lễ kỷ niệm 1000 năm, đồng thời là dịp đánh giá kết quả đề án tổ chức lễ hội 2006 -2010 của UBND tỉnh, vì vậy vấn đề nội dung và quản lý nội dung lễ hội được đặc biệt quan tâm.

Thực hiện nghi thức tế lễ
Thực hiện nghi thức tế lễ

Vào ngày 15.8 Âm lịch, Lễ Dâng hương đền thờ Nguyễn Trãi, Lễ Dâng hương chùa Côn Sơn sẽ được tổ chức trang trọng. Tối ngày 17.8 Âm lịch sẽ diễn ra Lễ Cầu an và Hội hoa đăng trên sông Lục Đầu.

Trong khuôn khổ lễ hội mùa Thu Côn Sơn- Kiếp Bạc, Liên hoan Diễn xướng hầu Thánh vào các đêm 15, 17, 18.8 Âm lịch là một sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đã được hướng dẫn quản lý thành nề nếp, do các cơ cánh từ các địa phương trong cả nước về tham gia. Bên cạnh đó còn có các chương trình hát Quan họ, hát Chèo, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân tộc, các cuộc thi Bơi trải, trò chơi dân gian... diễn ra liên tục tại di tích Côn Sơn và đền Kiếp Bạc./.

Bài viết về Hải Dương liên quan

1 2 3 4 Tiếp

Ghi chú bài viết Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc đón mừng Đại lễ

Nếu xảy ra lỗi với bài viết Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc đón mừng Đại lễ, hoặc nội dung chưa chính xác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để chúng tôi chỉnh sửa lại.
Từ khóa:
Theo ông Đặng Việt Cường, Giám đốc Sở VHTTDL Hải Dương, Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay diễn ra ngay trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà...