Lễ hội cúng bà ở Miễu tại Đồng Nai

(lehoi.info) - Lễ hội cúng Bà được nhiều nơi tổ chức, nhưng ở mỗi nơi lại có một cách tổ chức khác nhau, và tùy thuộc vào ngày vía của mỗi Bà. Trong những ngày sóc, vọng, ngày Tết Nguyên Đán hay ngày vía đất, các miễu Bà lại được mở cửa để cúng một lễ nhỏ bằng nhang, bông, bánh trái, còn ngày vía mới là ngày lễ chính. Có nơi còn cúng thường niên đều giống nhau, có nơi lại đáo lệ 2 hoặc ba năm một lần.

Miễu Bà tại Đồng Nai, Bà được thờ thường là các nữ thần có nguyên lai khác nhau, được thờ cúng tại miễu tùy theo quan niệm tâm linh của mỗi nơi, nhưng phổ biến nhất là: Bà Ngũ Hành nương nương, Bà Chúa Thượng ngàn, Liễu Hạnh công chúa, Chúa Ngọc nương nương, Chúa Xứ nương nương, Chúa Tiên nương nương, Linh sơn thánh mẫu, Thủy Long thần nữ, Thiên Hậu thánh mẫu, nữ thần bổn địa…

Lễ cúng vía Bà thường tổ chức vào ban đêm (thuộc âm) và được Ban quý tế của làng đứng ra thực hiện các lễ cúng, cũng có khi do tổ chức hội mẫu của địa phương thực hiện. Miễu thuộc hệ dân dã nên thường tổ chức các nghi thức cúng Bà cũng không theo đúng khung theo khuôn phép điển lệ như rất tưng bừng, cởi mở và sinh động hơn lễ cúng đình. Tuy nhiên , tại nhiều địa phương vẫn thường áp dụng các nghi thức cúng đình trong lễ cúng miễu. 

Người dân khắp nơi trong nước đổ xô về Đồng Nai trẩy hội cúng bà ở Miễu
Người dân khắp nơi trong nước đổ xô về Đồng Nai trẩy hội cúng bà ở Miễu

Lễ vật cúng miễu được chuẩn bị rất đơn giản và cũng không cần phải kiêng kỵ nhiều như cúng đình. Bình thường thì: heo quay, heo luộc, mâm xôi, bánh chưng... Nhìn chung là tùy tâm, tùy sức. mâm vàng bạc, đồ trang sức… đều được miễn là lòng thành. 

Việc trang trí và bày biện điện thờ cũng rất đơn giản như: bình bông, bát nhang,  chân đèn, chén nước,… Nhiều nơi vật thờ còn có thêm: gương, quạt, lược, trâm cài, và  vài món trang sức khác dành cho nữ giới. Những miễu độc lập sẽ có thêm Tả ban, Hữu ban, Nhị vị công tử, Nhị vị công nương, cậu Chài, cậu Quới… Vì là thờ nữ thần cho nên án thờ dù nhỏ vẫn thường được trang hoàng trông rất sặc sỡ, có lộng che và rèm phủ.

Trước kia, rất ít ngôi miễu có cốt tượng, thường thờ rất đơn giản bằng chữ Hán được vẽ trên tường hoặc dán trong khám thờ. Những năm gần đây,  có miễu thờ cốt tượng bằng thạch cao, gốm, xi măng hay vẽ bằng tranh có lồng kính cho nên các Bà cũng trở nên đồng dạng, trang phục cũng lộng lẫy như nhau, chỉ khác nhau  ở tên gọi. Riêng Bà Ngũ Hành là trông khác biệt rõ nhất và dễ nhận ra nhất với bộ cốt tượng có đầy đủ 5 bà trong 5 sắc áo khác nhau có màu  đỏ, tím, xanh, vàng, lục với quan niệm của ông cha từ xa xưa đã cho rằng hành thổ màu vàng và là trung tâm nên được ngồi ở giữa. 

Đêm trước ngày diễn ra lễ vía, ban tổ quý tế sẽ tiến hành thay áo mới ho các Bà như lễ mộc dục khá phổ biến. Khi cử hành lễ này, Chánh bái và Bồi tế sẽ lên nhang, đèn khấn trước để vái xin phép Bà, rồi lui ra. Các phụ nữ sẽ “sạch mình” đã chuẩn bị sẵn các thay nước thơm (nước hương nhu, lá sả, bông bưởi), dùng khăn sạch rồi nhúng nước thơm lau khắp các tượng Bà cho sạch. Khăn lau Bà xong thì vắt nước bẩn ra thau khác, cứ như thế cho tới khi sạch Bà rồi mới thôi. Sau đó, sẽ tiến hành thay cho Bà áo mới, áo cũ và khăn lau sau khi làm xong phải đốt đi chứ không được dùng vào việc khác.

Phần hội của lễ cúng Bà hấp dẫn với Hát bóng rỗi, chặp Địa-Nàng, là một loại hình nghệ thuật truyền thống  luôn được người dân ở Biên Hòa - Đồng Nai yêu thích. 

Hát bóng rỗi, Chặp Địa-Nàng vừa có tính nghi lễ (để cúng) những cũng có tính giải trí, vui chơi trong phần hội; đó là một loại hình thức diễn xướng tổng hợp, gồm có nhiều tiết mục được biểu diễn liên tục, đồng thời cũng có thể phân chia ra thành các tổ hợp các tiết mục tùy chọn. Hát bóng rỗi, Địa-Nàng tại Đồng Nai gồm nhiều tiết mục như: Chầu mời-thỉnh tổ, Chặp Địa-Nàng, Khai tràng, Hát bóng rỗi. 

Lễ hội cúng bà ở Miễu tại Đồng Nai
Lễ hội cúng bà ở Miễu tại Đồng Nai

Mở đầu mỗi cuộc hát là lễ Khai tràng với mục đích khai mạc cuộc hát, thường là dàn nhạc bóng biểu diễn. Tiếp theo sẽ là các xấp hát Chầu mời - thỉnh tổ. Điệu hát có vận dụng cả vè, lý, nói rỗi (nói lối) có khi còn có cả làn điệu tuồng. Sau màn Hát Chầu là diễn Chặp Địa-Nàng. Đây là Chặp bóng, là một tích tuồng hài hước thường được biểu diễn ở lễ cúng miễu Bà hay miễu Thổ Địa. Cuộc hát chỉ có 2 nhân vật là Nàng và Địa. Chặp Địa - Nàng cũng vừa dứt thì bóng múa cũng nổi lên. Bóng múa vừa mang tính chất nghi lễ những cũng có tính giải trí. Sau đó, các tiết mục bóng múa sẽ thay nhau múa bông, múa dâng mâm vàng, tiếp đó là các tiết mục tạp kỹ đặc sắc. Tiết mục múa trò chơi còn được gọi là múa tạp kỹ dài hay ngắn, nhiều ít tùy còn tùy thuộc vào không khí cuộc vui; dân làng thưởng nhiều thì họ cũng hào hứng hơn và múa bóng múa hay, khéo hơn, tận tình hơn và ngược lại. 

Những vị nữ thần được thờ phụng tại miễu ở Đồng Nai hấu hết là có nguồn gốc từ biển, đánh dấu cho một hồi ức của người dân gắn chặt với những hành trình gian lao hình thành từ các cộng đồng cư dân Việt tại tỉnh Đồng Nai. Với một tập hợp các nữ thần phức hệ như vậy, Đồng Nai từ lâu đã như là điểm hội tụ đồng thời là nơi để quảng bá các hệ tín ngưỡng thờ nữ thần của các tỉnh miền Bắc, miền Tây, miền Trung, người Hoa và người dân bổn địa. Tục thờ cúng các nữ thần cũng đã cho thấy, người dân Việt Nam ở địa phương ít nhất cũng đã tìm được biểu tượng tâm linh.

Bài viết về Đồng Nai liên quan

Ghi chú bài viết Lễ hội cúng bà ở Miễu tại Đồng Nai

Nếu xảy ra lỗi với bài viết Lễ hội cúng bà ở Miễu tại Đồng Nai, hoặc nội dung chưa chính xác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để chúng tôi chỉnh sửa lại.
Từ khóa:
(lehoi.org) - Lễ hội cúng Bà được nhiều nơi tổ chức, nhưng ở mỗi nơi lại có một cách tổ chức khác nhau, và tùy thuộc vào ngày vía của mỗi Bà. Trong những...