Lễ mừng cơm mới dân tộc Si La tại Điện Biên

Hàng năm, cứ vào dịp cuối tháng Tám đến đầu tháng Chín âm lịch, người dân đồng bào Si La lại tưng bừng tổ chức lễ mừng cơm mới. Thời điểm tổ chức lễ mừng cơm mới cũng chính là lúc vụ lúa đầu mùa đang chín rộ. Đồng bào Si La thường chọn ngày Tỵ hoặc ngày Thìn để làm lễ.

Người Si La có quan niệm rằng, trong quá trình sản xuất của người dân, gia đình và dòng họ luôn được ông bà, tổ tiên che chở. Bởi vậy, khi họ dùng những nông sản đó thì không được quên ơn của những người đi trước đã truyền đạt lại đất đai và kinh nghiệm sản xuất. Người Si La sẽ lấy cắt những bông lúa chín đầu tiên của vụ mùa để về cúng tổ tiên trước khi bắt đầu thu hoạch mùa màng.

Lễ mừng cơm mới dân tộc Si La tại Điện Biên
Lễ mừng cơm mới dân tộc Si La tại Điện Biên

Lễ mừng cơm mới của người Si La là một trong những nghi lễ truyền thống đặc trưng của người dân Si La. Họ không chỉ tổ chức lễ tại từng gia đình của trưởng dòng họ riêng, mà còn quây quần tất cả các dòng họ lại và cùng tổ chức.

Người Si La thường tổ chức lễ mừng cơm mới tại gia đình trưởng dòng họ của họ. Căn nhà của trưởng dòng họ có một bàn thờ và trưởng họ sẽ là người đại diện cho cả dòng họ tiến hành các thủ tục trong nghi lễ cúng bái. Sau khi cử hành nghi lễ cúng mời tổ tiên xong, các gia đình trong dòng họ sẽ đến nhà trưởng họ để cùng ăn bữa cơm mừng cơm mới.

Vào ngày tổ chức làm lễ của cả làng, từ buổi sáng tất cả các gia đình trong bản sẽ cử người làm tổng vệ sinh chung cho cả khu bản. Các gia đình cũng tự quét dọn nhà cửa, rửa sạch bát đũa, lau chùi sạch sẽ các đồ dùng sinh hoạt trong nhà. Trong đó mâm cúng cần phải rửa sạch và sửa sang lại nơi thờ cúng tổ tiên để bày các đồ cúng. Vì người Si La có quan niệm rằng khi ông bà tổ tiên ở thế giới bên kia về hưởng thụ đồ lễ mà trông thấy nhà cửa và đồ dùng không được vệ sinh sạch sẽ không thích và sẽ không phù hộ cho con cháu bảo vệ mùa màng nữa.

Những người phụ nữ của đồng bào Si La đang múa để ăn mừng ngày lễ cơm mới
Những người phụ nữ của đồng bào Si La đang múa để ăn mừng ngày lễ cơm mới

Sau khi mọi thứ đã được chuẩn bị xong, chiều tối gia chủ sẽ bắt đầu nấu cơm mới và nấy các món cá, cua,  sóc, củ mài, củ khoai... nấu cho chín tồi bầy lên mâm và đợi khi mặt trời lặn hẳn thì trưởng họ sẽ tiến hành phần lễ cúng để mời ông bà tổ tiên về hưởng thụ. Quan niệm của người Si La là khi mặt trời lặn, lúc đêm tối buông xuống cũng chính là lúc ông bà tổ tiên của họ trở về gần con cháu. Mâm lễ thường được bày đầy đủ đồ lễ và thường đặt ở dưới bàn thờ, trưởng họ sẽ thay mặt cho con cháu trong dòng họ cúng mời ông bà tổ tiên, cha mẹ và những người đã khuất cùng về hưởng mâm cơm mới.

Sau khi cúng lễ dưới bàn thờ xong, gia chủ sẽ cử người chuyển cả mâm lễ này xuống đặt cạnh bếp chính ở bên giường của gia chủ (Với người Si La chỉ có những gia đình của trưởng họ mới được làm bếp kiểu này. Bếp được làm ở trong nhà, ngay cạnh cây cột chính của nhà, được xem là nơi giữ lửa ấm cho cả dòng họ, bảo vệ che chở cho mọi người và là nơi chủ họ sưởi ấm và hút thuốc). Mâm cúng có đặt thêm một bát nước trắng và một ống tre cao chừng 15cm, có đường kính miệng là 8cm, bên trong ống đặt men rượu và phủ một lá chuối trên miệng ống tre, sau đó cắm 3 que tre là miệng, tượng trưng cho bình rượu cần của người Si La.

Lúc này gia chủ cũng bắt đầu cúng tổ tiên lần thứ 2. Sau mỗi lần cúng, trưởng họ sẽ cho một người con cháu trong họ cầm một chiếc thìa múc lấy 3 thìa nước trắng cho vào ống, sau đó sẽ làm như vậy hai lần nữa nhưng hai lần sau mỗi lần múc lấy 1 thìa. Khi xướng cúng đủ 3 lần là kết thúc lễ cúng mời tổ tiên. Các lễ vật này có thể mang ra cho mọi người trong họ dùng, nhưng riêng cơm mới làm đồ cúng thì phải đổ một bát dành riêng cho con chó trong nhà ăn trước, rồi các thành viên trong nhà mới được ăn.

Trưởng họ và các thành viên trong dòng họ cùng chuẩn bị mâm lễ vật cúng tổ tiên và ông bà
Trưởng họ và các thành viên trong dòng họ cùng chuẩn bị mâm lễ vật cúng tổ tiên và ông bà

Sau nghi lễ cúng mời ông bà tổ tiên về hưởng cơm mới với con cháu trong họ xong, tại gia đình cử hành lễ (trưởng họ), con cháu trong nhà sẽ bắt đầu bầy mâm cỗ ra mời anh em họ hàng, hàng xóm láng giềng và khách khứa trong bản đến dự bữa cơm mới và cầu chúc cho gia đình và dòng họ gặp nhiều may mắn. Lễ mừng cơm mới của đồng bào Si La kết thúc trong vui vẻ, tiếng nói, tiếng cười và những lời chúc nhau may mắn và thành đạt, trong bữa cơm liên hoan của dòng họ. Mọi người ai cũng đều vui mừng trước thành quả của mùa vụ, ai nấy đều cảm thấy vui mừng, hân hoan và tin tưởng rằng từ đây cuộc sống của họ sẽ còn làm ăn thuận lợi hơn thế và sẽ có rất nhiều cuộc vui như vây diễn ra. 

Lễ Mừng cơm mới của đồng bào Si La là một nghi thức nông nghiệp mang nhiều yếu tố văn hóa tích cực, đồng thời là một phần quan trọng trong tư tưởng của đồng bào Si La./.

Bài viết về Điện Biên liên quan

Ghi chú bài viết Lễ mừng cơm mới dân tộc Si La tại Điện Biên

Nếu xảy ra lỗi với bài viết Lễ mừng cơm mới dân tộc Si La tại Điện Biên, hoặc nội dung chưa chính xác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để chúng tôi chỉnh sửa lại.
Từ khóa:
Hàng năm, cứ vào dịp cuối tháng Tám đến đầu tháng Chín âm lịch, người dân đồng bào Si La lại tưng bừng tổ chức lễ mừng cơm mới. Thời điểm tổ chức lễ mừng...