Lễ hội đền Hoàng Công Chất tại Điện Biên

(lehoi.info) - Lễ hội Đền Hoàng Công Chất thường được tổ chức từ ngày 24 tháng 02 đến ngày 25 tháng 02 Âm lịch hàng năm, tại Thôn Noọng Nhai, xã Noọng Hẹt, Điện Biên. Trong những tiếng trống rộn ràng của lễ hội, đội tế nữ quan xã sẽ lần lượt dâng hương, dâng nến và dâng rượu... để tưởng nhớ đến vị anh hùng áo vải Hoàng Công Chất.
Đội tế lễ tại lễ hội.
Đội tế lễ tại lễ hội.

Thành Bản Phủ ở tại xã Noọng Hẹt (tỉnh Điện Biên), là một khu di tích lịch sử gắn liền với tên tuổi lãnh tụ nông dân Hoàng Công Chất ở vào thế kỷ 18. Ông đã được nhân dân tôn vinh lập đền thờ và hằng năm, lễ hội ở nơi đây thu hút khá đông du khách. Lễ hội thành Bản Phủ - đền Hoàng Công Chất là nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào của dân tộc, tinh thần đoàn kết giữa miền xuôi và miền ngược. Sau thắng lợi này, từ năm 1758 đến năm 1762, nghĩa quân và nhân dân nơi đây đã xây thành Bản Phủ, một công trình kiến trúc quân sự trấn thủ ở vùng biên cương. Tòa thành nằm ở giữa trung tâm một cánh đồng Mường Thanh trù phú, vựa thóc lớn của cả vùng Tây Bắc. Theo như dân gian truyền lại thì thành đã được xây dựng khá kiên cố với hào sâu và lũy tre dày đặc ở phía ngoài chân tường. Hiện nay, dấu tích của vòng tường thành vẫn còn hiện hiển.

Kể từ năm 1994, khi đền thờ Hoàng Công Chất chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận xếp hạng di tích lịch sử; thì cứ mỗi độ xuân sang cứ đúng vào ngày mất của ông (ngày 25/2 âm lịch), thì các cơ quan quản lý văn hoá của tỉnh Điện Biên và của huyện Điện Biên lại tưng bừng tổ chức lễ hội trong khuôn viên của tòa thành Bản Phủ.

Lễ hội Hoàng Công Chất sẽ diễn ra trong vòng hai ngày:

Mở màn đó là phần rước kiệu và lễ dâng hương. Đi đầu là một đội múa rồng, múa lân tạo bầu không khí sôi động. Sau các nghi thức, 40 diễn viên sẽ trình diễn màn múa cờ hội theo nhịp trống tưng bừng. Tiếp đến sẽ là phần biểu dương sức mạnh đại đoàn kết dân tộc của 60 diễn viên trong những bộ trang phục truyền thống, đại diện cho các dân tộc thiểu số vùng tây bắc trình diễn những tiết mục ca, múa nhạc rất đặc sắc.

Độc đáo và lôi cuốn sự chú ý của tất cả mọi người đó là những cô gái Thái với nón, quạt, khăn, ô, kèn và tính tẩu cùng với những bông hoa tươi của núi rừng trên tay trong điệu múa hoa ban và vòng xòe uyển chuyển, đằm thắm và rất dịu dàng.

Tái hiện cảnh luyện tập của nghĩa quân Hoàng Công Chất
Tái hiện cảnh luyện tập của nghĩa quân Hoàng Công Chất

Trong khuôn khổ lễ hội rất nhiều các hoạt động văn nghệ và thi đấu thể thao có sự tham gia của đội nghệ thuật quần chúng ở các xã Pa Thơm, Na Ư, Thanh Nưa, Noọng Hẹt của huyện Điện Biên và của các tỉnh bạn như Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Bình. Sân đền và khuôn viên ở trong thành nô nức những người trảy hội và xem các trò chơi dân gian như bắt lợn lấy thưởng, hái đào tiên, tung còn, đánh đáo đá, thi bắn nỏ, chơi cờ phạ, kéo co nam, nữ, đẩy gậy…Ngoài ra còn tổ chức chường trình giao lưu văn nghệ, uống rượu cần, thi giọng hát hay dân ca giữa các dân tộc.

Một tiết mục văn nghệ diễn ra tại Lễ hội
Một tiết mục văn nghệ diễn ra tại Lễ hội

Lễ hội đền Hoàng Công Chất - thành Bản Phủ là lễ hội được tổ chức hàng năm không chỉ là một hoạt động tín ngưỡng mà nó còn là sự kiện văn hóa, làm phong phú thêm đời sống văn hóa và tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Qua việc tổ chức lễ hội cũng là dịp để tuyên truyền và để giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc; khơi dậy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, giữa miền ngược với miền xuôi cùng nhau chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Bài viết về Điện Biên liên quan

Ghi chú bài viết Lễ hội đền Hoàng Công Chất tại Điện Biên

Nếu xảy ra lỗi với bài viết Lễ hội đền Hoàng Công Chất tại Điện Biên, hoặc nội dung chưa chính xác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để chúng tôi chỉnh sửa lại.
Từ khóa:
(lehoi.org) - Lễ hội Đền Hoàng Công Chất thường được tổ chức từ ngày 24 tháng 02 đến ngày 25 tháng 02 Âm lịch hàng năm, tại Thôn Noọng Nhai, xã Noọng Hẹt,...