Lễ hội Cầu Ngư tại Quảng Ngãi

Lễ hội Cầu ngư là một lễ hội dân gian truyền thống của các ngư dân (hay còn gọi là “Lễ ra quân đánh bắt thủy sản", hoặc "Lễ ra quân nghề cá") lễ hội thường được tổ chức vào dịp đầu năm mới với ý nghĩa cầu mong cho mùa màng bội thu, yên bình trong cả năm lênh đênh trên biển cả. Đây là lễ thức có khi chỉ riêng của cá nhân, của gia đình, và cũng có khi là của cả cộng đồng. Tiêu biểu cho lễ cầu ngư của cư dân ven biển tỉnh Quảng Ngãi là lễ cầu ngư Sa Huỳnh được tổ chức vào ngày mồng 3 Tết Nguyên đán hàng năm.

Linh thiêng lễ hội Cầu Ngư tại Quảng Ngãi
Linh thiêng lễ hội Cầu Ngư tại Quảng Ngãi

Trình thức lễ hội cầu ngư Sa Huỳnh bao gồm các lễ thức như: Tế cáo thần linh khai lạch, lễ ra nghề, và các trò diễn.

Lễ tế cáo: Là lễ thức mà tất cả những ban tế tự của làng và đại diện những chủ thuyền tế cáo ở lăng Ông, miếu Bà (Thiên Y, Thủy Long), miếu Thổ thần, Nghĩa tự và gia tiên để khai lạch ra khơi. Lễ tế cáo chỉ đơn giản là trầm trà hoa quả và diễn ra trong buổi chiều ngày mồng 2 Tết hoặc sáng sớm ngày mồng 3 Tết.

Lễ ra nghề: Vào buổi sáng sớm ngày mồng 3 Tết, tất cả các thuyền trong các vạn, đặc biệt là vạn Thạch Bi, tập trung tại cửa biển, chong đèn kết hoa rực rỡvà bày bàn soạn lễ vật trên thuyền, các loại ngư cụ... Sau khi đại diện chính quyền, hội nghề cá khai mạc và tổng kết nghề đánh bắt hải sản 1 năm cũng như các kế hoạch thực hiện trong năm mới, ông chủ vạn gióng tiếng trống báo hiệu lễ ra nghề được bắt đầu. Chiếc thuyền đầu tiên ra khơi là một chiếc thuyền được ban vạn bầu chọn (không gặp bất trắc gì trong năm cũ, gia đình hòa thuận và chủ thuyền có uy tín...), và sau đó là hàng trăm chiếc thuyền nối tiếp ra khơi. Ra đến cách bờ chừng vài hải lý, các thuyền lại tiếp tục thực hiện nghi thức tế cáo thần linh, và đánh mẻ lưới làm phép đầu tiên. Sau khi vớt mẻ lưới lên thì các thuyền quay lại vào bờ.

Các nghệ nhân cùng diễn viên làng chài hát bả trạo cầu mong năm mới vụ mùa đánh bắt thủy sản bội thu
Các nghệ nhân cùng diễn viên làng chài hát bả trạo cầu mong năm mới vụ mùa đánh bắt thủy sản bội thu

Các trò diễn: Khi tất cả các thuyền đã quay lại vào bờ, các trò diễn, như đua thuyền, thi đánh bóng chuyền, thi lắc thúng... mới bắt đầu diễn ra. Có năm trong dịp làm lễ cầu ngư, người dân Sa Huỳnh còn tổ chức hát bội vài ba ngày. Vài ba năm trở lại đây, trong lễ hội cầu ngư Sa Huỳnh, người dân địa phương nơi đây còn tổ chức múa hát bả trạo và hát sắc bùa.

Từng đoàn tàu của ngư dân Sa Huỳnh nối đuôi rẽ sóng ra khơi
Từng đoàn tàu của ngư dân Sa Huỳnh nối đuôi rẽ sóng ra khơi

Lễ hội cầu ngư của cư dân các làng chài duyên hải miền Trung nói chung và của cư dân Sa Huỳnh nói riêng, ngoài ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa biển bội thu, cá mực đầy khoang, đem lại cuộc sống ngày càng no đủ hơn, thì còn thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ công đức của các vị tiền hiền, đã có công lập làng, dựng nghề. 

 

Bài viết về Quảng Ngãi liên quan

Ghi chú bài viết Lễ hội Cầu Ngư tại Quảng Ngãi

Nếu xảy ra lỗi với bài viết Lễ hội Cầu Ngư tại Quảng Ngãi, hoặc nội dung chưa chính xác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để chúng tôi chỉnh sửa lại.
Từ khóa:
Lễ hội Cầu ngư là một lễ hội dân gian truyền thống của các ngư dân (hay còn gọi là “Lễ ra quân đánh bắt thủy sản", hoặc "Lễ ra quân nghề cá")...