Lễ hội Đình Đông Quất tại Lạng Sơn

Thời gian: 7/1 Âm lịch
(lehoi.info) - Lễ hội Đình Đông Quất thường được tổ chức ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, tại xã Cường Lợi, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Lễ hội đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân ở trong vùng và khu vực lân cận, du khách gần xa đến vui hội, vui xuân, cầu tài, cầu lộc và cầu phúc; tri ân các thế hệ tiền nhân, ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của đất và người ở nơi đây.

Tấp nập nhân dân và du khách vui hội Đình Đông Quất
Tấp nập nhân dân và du khách vui hội Đình Đông Quất

Theo như tài liệu ghi chép và các cụ cao niên của địa phương, trong suốt chiều dài những năm tháng đất nước bị chiến tranh và loạn lạc, việc cúng lễ thần của Đình Đông Quất, để cầu mong sự phù hộ vẫn được duy trì, cho dù đang phải sơ tán ở trong rừng. Ngược dòng lịch sử thì chúng ta sẽ càng hiểu rõ và trân trọng hơn về ý nghĩa của lễ hội này. Chính tại Đình Đông Quất, vào những năm đầu của thập kỷ 40 thế kỷ trước, các cụ cao tuổi của làng và các cụ cao tuổi của làng lân cận đã họp nhau lại, tổ chức lễ uống máu ăn thề và lập bản Qui ước thành lập “Hội bảo an”.

Trong ngày làm lễ ấy, ông thầy mo, trực tiếp cầm một con gà trống vừa khấn vừa bái vào bàn thờ Thần thánh rồi mang ra ngoài trời khấn, bái 4 phương và sau đó cùng nhau uống mỗi người một ít. Trong bản Qui ước có đoạn nêu: Quốc loạn tiểu nhân cường, loạn lạc giặc nổi lên cướp của giết người, tính mạng, tài sản dân lành bị đe doạ, nay nhờ Thần thánh thiêng chiếu cám việc lập hàng hội bảo an đoàn kết cùng nhau chống giặc, không ai được “Thông nội chí ngoại”, ai phản bội, Thần thánh chiếu cám trừng phạt sẽ bị chết như con gà…

Thi bắn nỏ - nét mới trong phần vui hội
Thi bắn nỏ - nét mới trong phần vui hội

Lễ hội Đình Đông Quất là một lễ hội dân gian lịch sử truyền thống. Cứ vào mỗi độ Tết đến, Xuân về là bà con nhân dân trong làng lại rất vui mừng chào đón và tổ chức lễ hội vào ngày mùng 7 tháng Giêng . Đây chính là dịp để tri ân các thế hệ tiền nhân đã không tiếc xương máu của mình để bảo vệ quê hương trong những ngày nguy nan, quyết tâm giữ đất, giữ làng và bảo vệ sự bình yên cuộc sống của nhân dân trước sự hung tợn của bọn giặc cướp… Đồng thời cũng là dịp để, mỗi người dân bày tỏ tấm lòng thành kính và sự ước vọng của mình đối với vị thần thiêng liêng cao cả ngự ở tại Đình Đông Quất - vị thần cao cả, quyền năng được dân gian truyền rằng đã bao bọc che chở cho nhân dân thoát khỏi mũi tên, hòn đạn của bọn giặc cướp trong những ngày nguy khó. Mỗi người con của quê hương Cường Lợi dù đi đâu, ở đâu nhưng đến ngày làng mở hội thì đều tìm về với tất cả tình cảm chân thành nhất, thiết tha nhất và sâu lắng nhất.

Trò chơi đẩy gậy trong lễ hội
Trò chơi đẩy gậy trong lễ hội

Qua vui hội, vui xuân và khấn thần,… mỗi con người đã bày tỏ được sự thành kính của mình đối với các vị thần thánh, các vị tiền nhân của dân làng và gửi gắm những ước vọng, niềm tin của mình trong năm mới sẽ được thần linh phù hộ cho nhiều sức khỏe, may mắn, làm ăn phát đạt, cuộc sống, bình an, hạnh phúc và ấm no, “nhân khang, vật thịnh”…

Sau khi Hội bảo an được lập ở tại Đình Đông Quất, nhiều toán giặc cướp đến để cướp phá của cải của dân làng đều bị đánh bại. Tiếng tăm của Hội bảo an đã vang dội khắp mọi nơi. Nhiều nơi đã đến để xin gia nhập Hội bảo an như: Ba Chẽ, Bình Liêu, Lộc Bình, An Châu… Về sau đó, hoà chung với khí thế cách mạng tháng 8, Hội bảo an đã được chuyển hoá thành lực lượng cách mạng và lực lượng dân quân du kích. Trước thần thánh thiêng liêng, lực lượng quân dân du kích cũng đã từng tuyên thệ nguyện đoàn kết, trung thành với Đảng, với Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà…

Đánh cừ - trò chơi đậm chất dân gian
Đánh cừ - trò chơi đậm chất dân gian

Có thể thấy, Lễ hội Đình Đông Quất trong mấy năm trở lại đây đã và đang dần được các cấp, các ngành của địa phương quan tâm khôi phục và tổ chức trở lại. Trong ngày hội, ngoài phần tế lễ, ôn lại những truyền thống lịch sử của quê hương, lịch sử của lễ hội, những kỳ tích hào hùng của cha anh; nhiều những trò chơi, trò diễn dân gian cũng được tổ chức kết hợp với ngày hội thể dục thể thao thể hiện tinh thần lạc quan, tinh thần thượng võ, tinh thần đoàn kết và ý chí kiên cường, anh hùng, quật khởi của đất và người nơi đây trong quá khứ và trong hiện tại. Tiêu biểu là các môn như: Kéo co, đẩy gậy, đánh cầu, đá bóng, đánh quay… Tất cả đã tạo ra một khí thế phấn khởi, đoàn kết, thi đua trong những ngày đầu xuân năm mới. Dễ dàng để nhận thấy, có rất nhiều cặp nam thanh nữ tú đi lễ hội. Theo dân gian truyền lại, từ những thập kỷ trước, tại lễ hội này, nhiều đôi trai gái đã gặp nhau, tỏ tình, hẹn ước và sau này đã nên duyên chồng vợ./.

Theo Báo Lạng Sơn

 

Bài viết về Lạng Sơn liên quan

Ghi chú bài viết Lễ hội Đình Đông Quất tại Lạng Sơn

Nếu xảy ra lỗi với bài viết Lễ hội Đình Đông Quất tại Lạng Sơn, hoặc nội dung chưa chính xác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để chúng tôi chỉnh sửa lại.
Từ khóa:
(lehoi.org) - Lễ hội Đình Đông Quất thường được tổ chức ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, tại xã Cường Lợi, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Lễ hội đã thu hút...