Lèn Vịnh Tiên Lệ và Lễ hội đền thờ Phù Đổng Thiên Vương tại Quảng Bình

Thời gian: 8/4 Âm lịch

Lèn Vịnh là tên gọi từ thời xa xưa một hòn núi ở xã Quảng Tiên, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Từ thuở khai thiên lập địa, Lèn Vịnh mọc lên ở giữa làng Tiên Lệ như 1 tấm bình phong lớn cao sừng sững. Những khi mây xuống thấp tưởng như chạm đến đỉnh trời. Nơi đó đã trở thành chốn thâm nghiêm và đầy sự uy linh. Hàng năm cứ vào dịp sau giỗ Tổ Vua Hùng ngày mùng 10 tháng 3 một tháng, đúng ngày mùng 8 tháng 4 thì nhân dân tại làng Tiên Lệ lại cùng nhau tổ chức lễ hội đền Phù Đổng Thiên Vương.

Lèn Vịnh Tiên Lệ và Lễ hội đền thờ Phù Đổng Thiên Vương tại Quảng Bình
Lèn Vịnh Tiên Lệ và Lễ hội đền thờ Phù Đổng Thiên Vương tại Quảng Bình

Người dân làng Tiên Lệ kể lại rằng: Trước đây rất lâu người dân Tiên Lệ có đời sống rất khổ cực. Cảnh mất mùa đói kém thường xuyên xảy ra. Quanh năm chỉ lấy nghề rừng rú làm nguồn sống chính cho cuộc sống. Từ người già cho đến trẻ con ngày ngày lên rừng hái các loại trái cây như thị, mít nài, hạt muồng, hạt sót và hạt dẻ... chạy về Trung Thôn, Biểu Lệ bán buôn ở phiên chợ Sải hoặc xuống tận Minh Lệ dự phiên chợ Mới, xa hơn thì phiên chợ Ba Đồn rồi mua khoai mua gạo đem về cho gia đình đắp đổi sống qua ngày. Không hiểu nhờ trời phật phù hộ thế nào mà liên tiếp mấy năm tự nhiên làng Tiên Lệ lại được mùa to, trồng trọt cây gì cũng cho thu hoạch khá, từ đó đời sống người dân hết cảnh hắt hiu.

Một cụ già cao niên nhất ở trong làng nhân một buổi hội đình, cụ đã đem chuyện giấc mơ cụ gặp được con Thần, con Thánh về hộ sức cho làng kể lại cho mọi người nghe. Cụ kể rằng: Vị Thần về giúp làng đầu đội mũ kim ô ngồi trên một con ngựa sắt, tay cầm roi sắt rượt đuổi bọn giặc lân bang từ phương Nam đến quậy phá. Sau khi đuổi được giặc chạy xa rồi thì vị Thần này quay về trên đường đi ngang qua vùng Tiên Lệ thấy cảnh đẹp sinh tình nên đã ghé lại cùng binh sĩ nghỉ sức 1 đêm. Khi biết dân Tiên Lệ còn nhiều khổ cực, vị thần đã xin Nhà Trời ở lại dạy dân cày cấy và trồng trọt. Một thời gian sau khi mọi công việc cấy hái của người dân đã được thuần thục thì 1 mình Thần cưỡi lên mình ngựa bỏ lại các binh lính rồi bay ra phía bắc đến đậu xuống vùng Nghĩa Lĩnh. Nhưng Thần cũng chỉ ở đấy một thời gian rồi lại bay tít lên trời và không quay trở lại nữa.

Sau khi nghe ông cụ kể lại về giấc mơ đẹp, vị Tiên chỉ làng liền bàn với các chức sắc trong làng một kế hoạch rồi cử 1 đoàn đinh tráng 20 người khoẻ mạnh khuân theo gạo, nếp, lợn và bò trồng nuôi trên đất Tiên Lệ đi bộ gần 1 tháng ra tận Đền Hùng để xin làm lễ tế. Sau đó lại đến đền thờ Thánh Gióng để tổ chức lễ tạ ơn và xin đất, xin lập lư hương rước về làng thờ. Chỉ trong một thời gian rất ngắn huy động người có công, người có của, làng đã xây lên ngay giữa Lèn Vịnh một ngôi đền to đẹp nhất vùng và rất trang nghiêm. Đền xây xong làng tổ chức hội đền kéo dài 3 ngày đêm đèn đuốc thắp sáng trưng cả 1 góc núi. Người ở mọi vùng nườm nượp kéo về cầu yên, cầu bổn mạng. Nhìn bức phong chính giữa đền tạc hình Phù Đổng Thiên Vương ngồi trên con ngựa sắt tay cầm roi sắt 2 bên có 2 vị tướng hộ tống ngước mắt nhìn Thần bay lên trời làm cho người người đến đây đều tỏ lòng kính cẩn.

Một nghi thức trong lễ hội
Một nghi thức trong lễ hội

Từ đó cứ hàng năm đến ngày tế lễ dân 2 giáp: Giáp Đông và Giáp Đoài được các chức sắc làng phân công trực tiếp làm cỗ cúng thi. Các loại xôi, các loại bánh phải lấy hạt gạo, hạt nếp tự làm ra ở trên đồng làng mà chế biến mâm cỗ cúng. Để có được các loại xôi bánh tốt, khi mùa lúa chín sắp được gặt làng sẽ bắt những thanh niên ra ruộng chọn những bông lúa tốt nhiều hạt chắc lảy đem về cột chùm phơi riêng rồi cất lên sàn nhà cả bồng chẹn. Khi nào sắp lễ mới đem bồng chẹn xuống đạp ra lấy hạt lúa và xay giã thành gạo. Khi thành gạo rồi, làng lại tuyển các cô gái giỏi giang một lần nữa chọn ra những hạt gạo cật, trắng còn nguyên vẹn không vỡ mới đem đồ xôi. Sau khi nếp ngâm được vớt ra rồi, cách hông cũng rất công kỹ. Khi hông xôi thì phải trải qua 3 bước, bước 1 hông hạt nếp đều hơi thì đổ ra nong quây mỏng cho nguội, khi hết hơi thì cho đổ vào hông lần 2 lại làm giống như lần 1, rồi lại hông tiếp lần 3 thì xôi mới đạt yêu cầu. Khi xôi được rồi thì 1 nửa cho đơm vào mâm, còn 1 nửa bỏ vào cối giã, đầu chày giã phải bọc bằng lụa mo cau. Cứ mỗi một lần giã lại có 3 thanh niên cầm chày nện nhíp ba, đến khi nào mệt thì thay kíp. Khi nếp đã nhuyễn thành bánh rồi thì thôi giã, lấy tiếp 1 người khoẻ dùng tay vắt cả nhả bánh đã nhuyễn ném mạnh vào lòng cối, ném cho đến khi nào bánh không còn dính cối nữa thì  mới đạt yêu cầu. Bánh đạt yêu cầu phải có 3 tiêu chuẩn trắng, dẻo và mượt. Đó là nhìn bằng mắt còn sau khi cúng xong bưng mâm bánh xuống đem ra cho các chức sắc chứng giám bằng cách 1 người cầm 1 con dao thật bén cắt đôi chiếc bánh ra. Mâm giáp nào mặt bánh lì không có những lỗ hơi rỗng ở phía trong mới là giáp thắng cuộc và giáp đó được nhận phần thưởng của làng. Có những năm, tháng 4 trời đại hạn, lúa đồng khô kiệt nước, cây cối rũ héo, thì lễ tế đền thờ Phù Đổng Thiên Vương còn kết hợp với lễ cầu đảo để cầu cho mưa xuống. Lễ thường kéo dài 3 đến 4 ngày. Nhiều năm cứ sau lễ cầu đảo là trời lại đổ mưa xuống ầm ầm thể hiện sự linh nghiệm, làm cho dân làng vui sướng và lại càng tin vào sự thiêng liêng của đền thờ.

Ngày trước, Tiên Lệ thượng xã nhập 7 xã lại gọi là Lệ Trạch. Đó là: Quảng Trung, Quảng Sơn, Quảng Tân, Quảng Thuỷ, Quảng Hoà Quảng Minh. Việc cúng lễ hàng năm thường là 2 giáp Đông, giáp Đoài Tiên Lệ và ba mươi sáu phường ở vùng Tuyên Hoá đảm trách.

Đền thờ Phù Đổng Thiên Vương Lèn Vịnh là 1 di tích hiếm thấy ở tỉnh Quảng Bình. Việc ngày trước các hương quan ở làng Tiên Lệ ra tận đền thờ Thánh Gióng làm lễ tạ và xin đất lập lư hương cho đền thờ làng là chứng tỏ cộng đồng dân cư ở nơi đây có mối quan hệ với các bộ tộc người Việt từ rất sớm. Cách thức hông xôi và cách thức làm bánh dày cúng lễ cũng mang dấu tích các món ẩm thực quen thuộc của người Việt từ lâu đời. Giấc mơ của lão làng với những chi tiết thánh thần dạy dân trồng trọt cũng là điều chứng tỏ những người dân nơi đây đã biết sớm gieo trồng lúa nước. Hình ảnh vị Thần cưỡi ngựa sắt, tay cầm roi sắt cũng chứng tỏ rằng phương thức canh tác của người Tiên Lệ đã từ rất sớm hoà nhập với cộng đồng người Việt cổ để được phát triển cùng tiến trình lịch sử chung cả nước. Dù sống gần núi nhưng là nhóm người tiếp cận sớm với văn minh phù hợp với nhận định chung: ’’Người Việt Quảng Bình chiếm khoảng 98% dân số toàn tỉnh. Họ sinh sống trên hầu khắp các địa bàn của tỉnh, từ đồng bằng ven sông ven biển đến vùng gò đồi trung du. Từ vùng thị xã, thị trấn đến các vùng núi cao... Dân cư các làng xã ở Quảng Bình có nguồn từ nhiều địa phương khác nhau ở phía Bắc di cư đến lập nghiệp. Các lớp dân cư của làng cũng diễn ra hết sức phức tạp trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, kể từ nửa thế kỷ XI cho đến nửa đầu thế kỷ XIX".

Mỗi một vùng quê Quảng Bình đều có lễ hội riêng của vùng quê mình mà lễ hội đền Phù Đổng Thiên Vương ở Lèn Vịnh Tiên Lệ từ lâu nay chưa hề được nhắc tới trong sách vở nào đang cần sự quan tâm của các nhà nghiên cứu ở trong và ngoài tỉnh.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây, Lèn Vịnh chính là nơi vùng Việt Minh và du kích hoạt động, nơi bảo toàn lực lượng kháng chiến. Giặc Pháp đã bao phen tổ chức những trận càn quét và về đóng đồn Tiên Lệ để phong toả vùng du kích cũng như để ngăn lực lượng Việt Minh tràn về. Nhưng rồi chúng buộc phải rút lui sớm vì luôn bị lực lượng kháng chiến từ Lèn Vịnh đêm ngày quấy rối và đốt cháy đồn.

Nhân dân và du khách thắp nén hương thơm tại miếu Lãi Lèn
Nhân dân và du khách thắp nén hương thơm tại miếu Lãi Lèn

Đền Thờ Phù Đổng Thiên Vương nơi Lèn Vịnh từ đó đã bị hư hại và đến nay không còn vẹn nguyên, chỉ lưu lại các khuôn nền cũng như các bậc cấp lên xuống đền mà thôi. Những bậc cao niên của làng Tiên Lệ khi nhắc đến đền thờ Phù Đổng Thiên Vương thường tấm tắc và vô cùng nuối tiếc 1 di tích lịch sử văn hoá hiếm của quê làng mà lại chỉ còn trong chuyện kể.

 

 

 

Bài viết về Quảng Bình liên quan

  • Hội đua thuyền tại Quảng BìnhẢnh Hội đua thuyền tại Quảng Bình
    (lehoi.org) - Lễ hội đua thuyền thường được tổ chức vào ngày mùng 2 tháng 9 hàng năm, tại sông Kiến Giang, Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Cứ đến ngày Quốc Khánh 2/9, huyện Lệ Thủy lại mở hội bơi, đua thuyền nam...
  • Tưng bừng lễ hội cầu mùa tại Quảng BìnhẢnh Tưng bừng lễ hội cầu mùa tại Quảng Bình
    (lehoi.org)- Đã 600 năm nay, cứ vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch, nhân dân xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình lại tưng bừng tổ chức lễ hội cầu mùa, tỏ lòng thành...
  • Dự kiến tổ chức Festival hang động vào tháng 5/2011 tại Quảng BìnhẢnh Dự kiến tổ chức Festival hang động vào tháng 5/2011 tại Quảng Bình
    (lehoi.org) - Vừa qua UBND tỉnh Quảng Bình đã họp triển khai kế hoạch tổ chức Festival hang động năm 2011. Theo đó, dự kiến Festival hang động sẽ được tổ chức trong khoảng thời gian tháng...
  • Lễ hội chèo cạn, múa bông tại Quảng BìnhẢnh Lễ hội chèo cạn, múa bông tại Quảng Bình
    (lehoi.org) - Nằm trong khuôn khổ Tuần Văn hoá Du lịch Quảng Bình 2011, “Lễ hội chèo cạn, múa bông” sẽ diễn ra vào ngày 7/6 tại thành phố Đồng Hới. Đây là lễ hội cầu mùa mang ước nguyện...
  • Công tác chuẩn bị “Tháng Du lịch Quảng Bình năm 2012”Ảnh Công tác chuẩn bị “Tháng Du lịch Quảng Bình năm 2012”
    (lehoi.org)- N hằm đánh giá công tác chuẩn bị các hoạt động trong Tháng du lịch sắp tới , Ban tổ chức “Tháng Du lịch Quảng Bình 2012” đã tổ chức cuộc họp vào n gày 03/5/2012 . Phát biểu tại cuộc...
  • Tưng bừng lễ hội hang động Quảng Bình 2013Ảnh Tưng bừng lễ hội hang động Quảng Bình 2013
    (lehoi.org)- Tối 25/5, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Vườn QG Phong Nha- Kẻ Bàng được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới và khai mạc Lễ hội hang động Quảng Bình năm 2013 ...
  • Lễ hội đập trống của người Ma Coong tại Quảng BìnhẢnh Lễ hội đập trống của người Ma Coong tại Quảng Bình
    Đập Trống là một trong những lễ hội lớn của người Ma Coong mỗi năm lễ hội được tổ chức 1 lần vào ngày 16 tháng giêng âm lịch để mừng mùa trăng mới. Lễ hội được tổ chức ở tại bản Cà Roòng, xã Thượng Trạch...
  • Lễ rước thần ở đình làng tại Quảng BìnhẢnh Lễ rước thần ở đình làng tại Quảng Bình
    Vào dịp đầu xuân, các làng các xóm thường có lễ Xuân Thủ ở tại đình làng. Trong lễ thường có buổi rước thần. Theo truyền tụng thì rước thần ở đây có mục đích chính là mời các vị thần, trong đó, vị thần...
  • Hội rằm tháng ba Minh Hoá tại Quảng BìnhẢnh Hội rằm tháng ba Minh Hoá tại Quảng Bình
    Hàng năm cứ vào ngày rằm tháng 3 âm lịch , những người dân ở huyện miền núi rẻo cao Minh Hóa lại vào hội rằm tháng 3. Lễ cúng Bụt trước khi mở hội rằm tháng ba Minh Hóa Từ thời xa xưa, những người dân...
  • Lễ hội Cầu Mùa Bảo Ninh tại Quảng BìnhẢnh Lễ hội Cầu Mùa Bảo Ninh tại Quảng Bình
    (lehoi.org) - Lễ hội Cầu Mùa Bảo Ninh được tổ chức hàng năm vào ngày 14 đến ngày 16 tháng 4 Âm lịch tại làng biển Bảo Ninh - TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Đây là một lễ hội tiêu biểu của người dân...
  • Lễ hội chèo cạn, múa bông tại Quảng BìnhẢnh Lễ hội chèo cạn, múa bông tại Quảng Bình
    (lehoi.org) - Lễ hội chèo cạn, múa bông là lễ hội thường được tổ chức trong các dịp lễ kỷ niệm lớn của dân tộc. Đặc biệt, đây cũng chính là một phần không thể thiếu trong Lễ hội Cầu ngư hàng năm của những...
  • Lễ hội cầu ngư tại Quảng BìnhẢnh Lễ hội cầu ngư tại Quảng Bình
    (lehoi.org) - Lễ hội cầu ngư được tổ chức vào dịp rằm tháng 4 hàng năm, tại xã Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình. Đây là một trong những lễ hội truyền thống nhằm cầu tài, cầu an, cầu mưa thuận gió hòa cho...

Ghi chú bài viết Lèn Vịnh Tiên Lệ và Lễ hội đền thờ Phù Đổng Thiên Vương tại Quảng Bình

Nếu xảy ra lỗi với bài viết Lèn Vịnh Tiên Lệ và Lễ hội đền thờ Phù Đổng Thiên Vương tại Quảng Bình, hoặc nội dung chưa chính xác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để chúng tôi chỉnh sửa lại.
Từ khóa:
Lèn Vịnh là tên gọi từ thời xa xưa một hòn núi ở xã Quảng Tiên, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Từ thuở khai thiên lập địa, Lèn Vịnh mọc lên ở giữa làng...