Sức xuân miền lễ hội ở Nam Định
Theo thống kê, toàn tỉnh Nam Định có khoảng hơn 100 lễ hội mùa xuân được tổ chức từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch hằng năm. Các lễ hội này tập trung ở các huyện Nam Trực, Mỹ Lộc, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên và Hải Hậu. Trong đó có nhiều lễ hội xuân được tổ chức với quy mô lớn như: lễ Khai ấn Đền Trần (TP Nam Định), lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản), lễ hội chùa Lương (Hải Hậu), lễ hội hoa làng Vị Khê (Nam Trực), lễ hội làng Ngọc Tiên (Xuân Trường), lễ hội xuân chợ Viềng mỗi năm mở một phiên vào mùng Tám tháng Giêng tại Nam Trực và Vụ Bản.
Ngày nay, lễ hội xuân chợ Viềng đã trở thành một “địa chỉ” du xuân của nhân dân trong cả nước và du khách quốc tế với mong muốn mua may, bán rủi. Các sản phẩm được đem ra mua bán tại đây chủ yếu là cây cảnh, nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồ cổ, sản phẩm đúc đồng, mỹ nghệ, mây tre đan. Với ý nghĩa mua bán lấy may nên ở chợ Viềng người bán không nói thách, người mua cũng không mặc cả, nếu “băn khoăn” về giá cả thì sẽ bị mất đi ý nghĩa linh thiêng. Có thể nói, ngoài đặc sản “Thịt bò thui”, phiên chợ Viềng đầu Xuân đã thực sự trở thành ngày hội giao lưu của các sản phẩm hàng hoá. Bên cạnh những giá trị kinh tế, hội xuân chợ Viềng đã trở thành nét đẹp văn hoá đầy giá trị nhân văn về đời sống tinh thần, tâm linh của cư dân nông nghiệp khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Lễ hội xuân chợ Viềng, Vụ Bản, Nam Định
Ngoài ra, khi đến với Nam Định du khách không thể quên đến thăm nơi thờ tự của 14 vị vua triều Trần, Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Không Lộ Thiền Sư, Mẫu Liễu Hạnh… Đặc biệt, Lễ Khai ấn Đền Trần ngày càng được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo du khách. Qua hơn 10 năm tổ chức, Lễ Khai ấn đã thực hiện đúng mục đích, ý nghĩa của lễ hội nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá và giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông ta thời Trần cũng như thu hút và quảng bá nét những đẹp văn hoá của quê hương Nam Định đến với khách trong nước và quốc tế.
Ngày nay, các Lễ hội mùa xuân ở Nam Định không chỉ “bề thế” về quy mô mà còn đa dạng về phương thức tổ chức, trong đó có nhiều lễ hội gắn với các làng nghề truyền thống. Làng Vị Khê, xã Điền Xá, Nam Trực từ lâu đã được coi là vùng đất tổ của nghề trồng hoa cây cảnh. Hằng năm, từ ngày 12 đến 16 tháng Giêng, tại đình thờ thành hoàng và ông tổ làng nghề Vị Khê dân làng lại tưng bừng tổ chức lễ hội hoa - cây cảnh, thu hút đông đảo các nghệ nhân và du khách gần xa đến tham dự. Được biết, đây là một lễ hội mang sắc thái văn hóa truyền thống của làng nghề truyền thống 800 năm, để tưởng nhớ, tôn vinh công lao của ông tổ nghề hoa - cây cảnh Tô Trung Tự - người đã truyền dạy nghề trồng hoa cây cảnh cho người dân địa phương để làm kế sinh nghiệp lâu dài.
Lễ hội làng nghề truyền thống Vị Khê mở đầu với phần lễ gồm các nghi lễ: tế nam quan, tế nữ quan, rước hoa, cây cảnh tiêu biểu về đình làng, dâng hương ông tổ làng nghề. Tiếp đó là phần hội với các hoạt động: tổ chức trưng bày những loài hoa quý, những cây cảnh độc đáo, tổ chức biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian như: cờ người, cờ tướng, tổ tôm điếm, chọi gà, kéo co… Với nhiều hoạt động đặc sắc, sôi nổi, lễ hội hoa cây cảnh Vị Khê không chỉ khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” mà còn là nơi để các nghệ nhân trực tiếp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với nhau và tạo cơ hội cho những người yêu thích nghệ thuật cây cảnh đem tác phẩm của mình giới thiệu đến du khách, góp phần hình thành nên một nét đẹp văn hóa truyền thống, thúc đẩy kinh tế sinh vật cảnh phát triển.
Tại làng nghề Ninh Xá, Yên Ninh, Ý Yên, lễ hội xuân được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch hằng năm để tưởng nhớ các vị tổ nghề và các bậc danh nhân có công khai ấp, lập thôn, góp phần động viên các thế hệ con cháu giữ vững và phát huy làng nghề truyền thống, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Nét độc đáo nhất của lễ hội làng nghề Ninh Xá là nghi thức “Kéo lửa Khai hội”. Sau hồi trống khai hội, một vị cao niên trong làng sẽ phát lệnh cho trai làng, kéo lạt giang cọ vào thanh xoan ngâm để tạo nhiệt. Nhiệt truyền rồi làm cháy bùi nhùi làm bằng rơm khô. Cụ già sẽ lấy ngọn lửa vừa phát sinh thắp hương cho cả làng làm lễ dâng hương. Sau đó bát hương sẽ được chuyển lên kiệu rước với ý nghĩa thành tâm tưởng nhớ đến sáng kiến tạo ra lửa của cụ tổ nghề Ninh Hữu Hưng. Tương truyền, thuở xa xưa, Ninh Hữu Hưng đã từng giúp Vua Đinh, Vua Lê nuôi quân, đánh giặc, dẹp loạn.
Lễ hội truyền thống rối nước làng Bàn Thạch
Tiếp đó là lễ hội truyền thống rối nước làng Bàn Thạch (hay còn gọi là làng Rạch) ở xã Hồng Quang (Nam Trực) được tổ chức 5 năm một lần vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch nhằm tưởng nhớ vị tổ nghề là thần hoàng làng Linh ứng Đại vương, người sáng lập ra nghệ thuật múa rối nước. Với ý nghĩa đặc biệt, các ngày diễn ra lễ hội cũng là dịp để con cháu trong gia đình sum họp sau những ngày lao động vất vả, gặp lại nhau, ôn chuyện và động viên nhau vươn lên trong cuộc sống. Từ đó, người dân trong làng đều tích cực tham gia đóng góp kinh phí, vật chất và ngày công theo phương thức xã hội hoá trong việc tổ chức lễ hội. Việc tổ chức “Hội làng” để tôn vinh “Hội nghề” là một nét đẹp mang giá trị nhân văn sâu sắc trong lễ hội rối nước truyền thống làng Bàn Thạch theo nếp sống văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngoài ra, đến với hội xuân trên đất Nam Định, du khách còn được hoà mình vào một số lễ hội truyền thống với các trò chơi dân gian đặc sắc, độc đáo mang những nét đặc trưng của từng vùng, miền, làng trong tỉnh như: lễ hội chùa Đại Bi (Nam Trực), lễ hội chùa Hải Anh (Hải Hậu), lễ hội đền Hạ Kỳ (Nghĩa Hưng), lễ hội làng An Nhân, làng Hồ Sen (Vụ Bản)... Trong những lễ hội này thường có các trò chơi như chọi gà, đua thuyền, đấu vật, cờ người, thổi cơm thi, hội kéo chữ (Hoa trượng hội)… và nó đã thực sự trở thành sinh hoạt văn hoá dân gian đậm đà bản sắc dân tộc của từng địa phương, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tích cực động viên người dân hăng say lao động sản xuất, học tập, đáp ứng nhu cầu giải trí văn hoá lành mạnh cho người dân ở các vùng nông thôn.
Tại một số nơi của tỉnh Nam Định, Hội chọn vật lễ là một trong những nét độc đáo tại các lễ hội mùa xuân nơi đây. Tiêu biểu trong đó là hội "Trư kiên bảo" (hội chọn lợn), "Kê kiên bảo" (Hội chọn gà) và hội chọn cá. Các hội chọn lễ vật này thường xuất hiện trong các lễ hội làng Thượng Linh, Côi Sơn, Quả Linh (Vụ Bản), Hữu Dụng, Làng Mụa (Ý Yên) và một số lễ hội làng ở các huyện Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc... Được biết, nguồn gốc của hội chọn vật lễ gắn liền với tín ngưỡng phồn thực, với khát vọng cầu mưa, cầu cho mùa màng bội thu. Theo quy định, tuỳ theo lệ làng và lệ của từng kỳ lễ mà làng có những quy ước, quy định riêng. Những nghi lễ chọn lợn, gà, cá này đều mang dấu ấn tín ngưỡng văn hoá của cư dân nông nghiệp, có ý nghĩa nhân sinh sâu rộng, góp phần khuyến khích chăn nuôi, đẩy mạnh sản xuất.
Ở một số lễ hội làng trong tỉnh Nam Định còn có những trò chơi diễn lại những sự tích gắn với nguồn gốc tên làng từ thời xa xưa hay gắn với những giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc như lễ hội làng An Lá, xã Nghĩa An (Nam Trực) với điển tích trò ăn lá; lễ hội Trần Quang Khải, thôn Cao Đài, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) có tục yểm lá nhãn ăn thề, trò “thuyền chài đuổi bắt Tàu - Ngô” để tưởng nhớ 3 lần đại thắng quân Nguyên - Mông của quân dân nhà Trần. Hay một số trò chơi dân gian độc đáo khác như bắt trạch trong chum, bịt mắt đánh trống, đẩy gậy tại lễ hội Đình Đá, xã Yên Cường; bắt trạch trong chum tại lễ hội đình Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên)…
Nhìn chung, các lễ hội tại Nam Định ngày nay thường được tổ chức với quy mô lớn, trang trọng, tiết kiệm, văn minh và đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng tâm linh, thu hút đông đảo người dân và du khách trong và ngoài nước, tạo nên nét đẹp ngày xuân ở khắp các địa phương trong tỉnh.
Theo Baonamdinh
Bài viết về Nam Định liên quan
- Lễ hội Phủ Quảng Cung tại Nam Định
Lễ hội Phủ Quảng Cung diễn ra hàng năm từ ngày mồng 1 đến mồng 10 tháng Ba âm lịch, tại Phủ Quảng Cung thuộc xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Phủ Quảng Cung là nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Phủ...
- Lễ hội Đền An Lá tại Nam Định
Lễ hội Đền An Lá diễn ra vào tháng Ba âm lịch hàng năm, tại Đền An Lá thuộc xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Đây là một lễ hội nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức của tướng quân Nguyễn Tấn. Cứ...
- Độc đáo phiên chợ mua may bán rủi mỗi năm chỉ họp một lần
Đến hẹn lại lên, lễ hội chợ Viềng (Vụ Bản, Nam Định) được tổ chức vào đêm mùng 7 tháng Giêng hàng năm. Dù trời mưa phùn, giá rét nhưng hàng vạn người vẫn đội mưa tham gia phiên chợ Viềng độc đáo "mua...
- Hội đền Cổ Trạch tỉnh Nam Định
Hội đền Cổ Trạch diễn ra từ ngày 18-20/8 âm lịch hàng năm tại xã Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Hội đền Cổ Trạch bao gồm phần tế lễ, dâng hương và trẩy hội. Đền Cổ Trạch là đền cổ của xã...
-
- Hội đền Đông Cao tại Nam Định
Hội đền Đông Cao diễn ra ngày 18 tháng 8 âm lịch hàng năm tại làng Đông Cao, xã Yên Lộc, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Đinh. Hội đền Đông Cao có nghi lễ đặc biệt là lễ rước kiệu Mỵ Châu đến yết kiến và tạ tội...
- Hội Chùa Lương (chùa Trăm Gian)
Hội Chùa Lương diễn ra từ ngày 13 đến 16 tháng Ba âm lịch hàng năm, tại xã Hải Anh, Hải Hậu, Nam Định. Hội là dịp người dân nơi đây bày tỏ lòng tôn kính và biết ơn đối với Trần Vũ, Hoàng Gia, Vũ Chi và...
- Hội đền Bảo Lộc tại Nam Định
Hội đền Bảo Lộc tại Nam Định diễn ra vào ngày 20 tháng 8 hàng năm, tại xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Đền Bảo Lộc trước kia còn có tên là An Lạc, tọa lạc tại làng Bảo Lộc, thuộc tổng Bữu Bị...
- Lễ hội Chùa Cổ Lễ tại Nam Định
Lễ Chùa Cổ Lễ là nơi diễn ra nhiều nghi thức văn hóa cổ truyền, tín ngưỡng đạo Phật, thường được tổ chức từ ngày 13-19/09 âm lịch hàng năm. Lễ hội Chùa Cổ Lễ tại Nam Định Chùa Cổ Lễ là một quần thể kiến...
- Hội làng Cao Đài tại Mỹ Lộc, Nam Định
Hội làng Cao Đài diễn ra tại làng Cao Đài, xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Hàng năm, vào ngày 22 tháng 7 âm lịch, dân làng Cao Đài tổ chức lễ hội tưng bừng và uy nghi để tưởng niệm ngày húy...
-
- Lễ hội truyền thống Trần Hưng Đạo tại Nam Định
Lễ hội truyền thống Trần Hưng Đạo được tổ chức vào ngày 20 tháng 8 hằng năm tại Khu Di tích Văn hóa Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) nhằm ôn lại truyền thống "Uống nước...
- Lễ kỷ niệm ngày hóa thân Đức phật hoàng Trần Nhân Tông tại Nam Định
Hằng năm cứ đến ngày 1/11 âm lịch, hàng nghìn người con dòng tộc họ Trần lại cùng đổ về Đền Hạ Mã (Mỹ Lộc, Nam Định) để dâng hương tưởng niệm ngày hóa thân Đức phật hoàng Trần Nhân Tông. Đức vua...
- Lễ hội làng nghề mộc cổ truyền Ninh Xá ở Nam Định
Lễ hội làng nghề mộc cổ truyền Ninh Xá được tổ chức từ ngày mùng 4 đến mùng 6 tháng 3 âm lịch hằng năm tại đền Ninh Xá, xã Yên Ninh huyện Ý Yên tỉnh Nam Định để tưởng nhớ ông tổ nghề mộc Ninh Hữu...
- Lễ hội Phủ Giầy tại Nam Định
Lễ hội Phủ Giầy là lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh Thái Mẫu Liễu Hạnh - một bậc "Thiên hạ mẫu nghi", là vị thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu và là một vị Thánh trong Tứ bất tử của dân tộc Việt Nam...
- Chính thức khai mạc Lễ hội khai ấn đền Trần - Nam Định năm 2012
(lehoi.org)- Đến hẹn lại lên, đêm 5/2 (tức 14 tháng Giêng âm lịch) nhân dân và du khách thập phương lại nô nức về dự Lễ hội khai ấn đền Trần. Năm nay cũng là năm đầu tiên lễ hội...
- Tưng bừng lễ hội Phủ Dầy tại Nam Định
(lehoi.org)- Hôm nay 21/4 tức ngày mùng 3/3 âm lịch, lễ hội Phủ Dầy năm 2015 đã tưng bừng khai mạc tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Tưng bừng lễ hội Phủ Dầy tại Nam Định Lễ hội Phủ Dầy được...
Ghi chú bài viết Sức xuân miền lễ hội ở Nam Định
Từ khóa:
Nam Định là mảnh đất địa linh, giàu truyền thống văn hóa và có nhiều lễ hội gắn với các di tích lịch sử văn hóa. Các lễ hội của Nam ĐỊnh ngày nay không...