Lễ hội Kỳ Yên tại Vĩnh Long

Lễ kỳ yên mang ý nghĩa là một ngày giỗ hội của làng. Mục đích của lễ kỳ yên là tế thần thành hoàng để cầu quốc thái dân an, xóm làng thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội Kỳ Yên tại Vĩnh Long
Lễ hội Kỳ Yên tại Vĩnh Long

Phần Lễ gồm có các nghi lễ chính sau: lễ thỉnh sắc thần; cúng miễu, liệt sĩ; lễ tế Thần Nông, lễ Túc yết; lễ cúng Tiền hiền, Hậu hiền, Hội viên quá vãng;  lễ Chánh tế;  lễ đưa sắc thần.

Các đình đều thờ tiền hiền và hậu hiền là những con người có công quy dân lập làng hoặc bỏ ra tiền của để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng đầu tiên và để lại gương soi cho đời sau. Vì thế cho nên trong chương trình lễ kỳ yên đều có nghi tiết tế các vị tiền bối hữu công kể trên. Cũng mang được ý nghĩa “uống nước nhớ nguồn” như vậy, nên nhiều đình bày ra nghi tiết tế Quốc Tổ Hùng Vương, Bác Hồ hoặc liệt sĩ. Nói tóm lại, ngày kỳ yên mang ý nghĩa là một ngày giỗ hội của làng. Người dân ở địa phương, cho dù có đi làm ăn xa thì đến ngày ấy đều mong muốn trở về để tham dự. Tất cả các nghi tiết dù ngắn hay dài, đơn giản hay phong phú… đều mang ý nghĩa là biểu lộ tấm lòng thành của mình.

Độc đáo lễ hội Kỳ Yên
Độc đáo lễ hội Kỳ Yên

Riêng đối với các danh nhân ở địa phương như Lâm Thao Quận công Châu Văn Tiếp,  Hữu phủ Tống Phước Hiệp, Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn hay quan Tiền hiền Phan Công An, ngày lễ hội là ngày gắn liền với ngày giỗ, ngày kỷ niệm. Nghi thức tế lễ cũng tương tự như nghi thức tế lễ trong ngày kỳ yên. Có thể nói, lễ kỳ yên ở đình làng là một nghi thức căn bản, có thể áp dụng được cho tất cả các đền miếu. Riêng ngày giỗ Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (ngày mùng 3 và ngày mùng 4 Tết) mang đầy đủ màu sắc Kinh - Hoa - Khmer, là một ngày lễ hội đẹp mắt và hấp dẫn.

Các nghi lễ thường giống nhau, gồm có một tiết mục dâng hương, ba lần dâng rượu và một lần dâng trà. Cuối mỗi nghi lễ đều có một bài văn tế thay cho lời khấn, nội dung bài tế gồm những lời tán dương thần thánh và những lời cầu nguyện của dân làng. Khi tế lễ phải có một giàn nhạc cụ để gõ nhịp gồm : chuông, mõ, chiêng, trống. Mõ là sự tượng trưng cho uy quyền địa phương nên được dẫn đầu. Những buổi lễ tế Quan Công, Khổng Tử hoặc một số thần linh khác thì lại không được dùng mõ. Ngoài giàn nhạc cụ gõ nhịp vừa kể trên còn có giàn nhạc lễ, đủ ngũ âm. Người phục vụ tế lễ bao gồm có một cặp lễ sanh xướng ngôn, một cặp lễ sanh bưng đè, một cặp lễ sanh lặp lại (do chưa có máy khuếch đại) và một cặp lễ sanh dâng lễ vật. Ngoài ra, trước các lễ sanh đăng đài có thể sẽ có võ sĩ múa dẫn lễ (mô phỏng điệu “Tiên nữ dâng hoa” nhà chùa khi dâng lục cúng). Phía sau các lễ sanh vừa kể trên cũng có thể sẽ có mấy cô đào hóa trang thành các tiên nữ vừa đi vừa cầm quạt hát theo điệu thài. Tất cả các tiết mục vừa kể ở trên do một người am tường gọi là Hương lễ chỉ huy.

Trên thực tế lễ kỳ yên thì phần “lễ” là phần quan trọng hơn phần “hội”. Ở đây, các đối tượng được cúng lễ là tập hợp thần linh đông đảo không phải chỉ riêng có thần Thành hoàng bổn cảnh. Do đó, khi cúng đình cũng có nghĩa là cúng cả miễu. Trước kia, khi cúng miễu thì phải mời bà bóng đến rồi mời múa hát. Lễ kỳ yên cũng có nghĩa là “lễ cầu an” nên thường mời các vị chân tu đến để tụng kinh cầu an hoặc mời thầy pháp đến để gõ đầu tiễn thần “ôn hoàng dịch lệ” đem lại sự an lành cho xóm làng. Thế nhưng, khoảng mấy chục năm trở lại đây, tục mời bà bóng và mời thầy pháp không còn. Lễ kỳ yên mang tính thuần khiết hơn xưa.

Lễ kỳ yên cũng là dịp để dân làng họp mặt, bàn chuyện gia đình yên ấm và vui chơi. Xưa kia, các đình thuộc vùng Vĩnh Long có tục cứ 3 năm đáo lệ là lại tổ chức hát bội cúng thần giúp vui bá gia bá tánh. Những tục lệ này giúp thắt chặt tình cộng đồng. Còn hát xướng trong ngày kỳ yên không phải là một loại văn nghệ bình thường, mà nó mang nội dung nghi lễ. Chương trình văn nghệ phải có nội dung đạo lý và- kết thúc có hậu.

Lễ kỳ yên còn là dịp để cho các nghệ nhân giới thiệu sự khéo léo của bản thân mình như chưng hoa kết quả hoặc giới thiệu cái đỉnh đồng, giới thiệu cái lọ cắm hoa. Lễ Kỳ yên còn là dịp cho những người làm vườn giới thiệu các loại cây trái mới, những người làm ruộng giới thiệu các giống nếp ngon qua tài thổi xôi, làm bánh của những chị em phụ nữ.

Nói đến hội hè cũng là nói đến tiệc tùng yến ẩm. Thế nhưng từ thời xưa, ở tại địa phương này đã có lệ, hễ được hưởng lộc nhiều thì phải đóng góp nhiều nên không có cảnh “một miếng thịt làng bằng một sàng xó bếp” và cũng không có tục “chiếu trên, chiếu dưới” nhậu nhẹt say sưa. Do đó, tiệc tùng yến ẩm ở trong ngày lễ kỳ yên chỉ mang tính liên hoan và chiêu đãi.

Tưng bừng lễ hội Kỳ Yên
Tưng bừng lễ hội Kỳ Yên

Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường - Sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Bài viết về Vĩnh Long liên quan

  • Đồng bào Khmer ở huyện Trà Ôn đón mừng lễ Sen ĐôntaẢnh Đồng bào Khmer ở huyện Trà Ôn đón mừng lễ Sen Đônta
    Lễ hội Sen Donta được tổ chức tại chùa Cũ, xã Tân Mỹ với các hoạt động như: trình diễn trang phục dân tộc, liên hoan văn nghệ quần chúng, đua ghe, ẩm thực truyền thống... nhằm bảo tồn và...
  • Lễ Chol Chnam Thmay tại Vĩnh LongẢnh Lễ Chol Chnam Thmay tại Vĩnh Long
    Lễ Chol Chnam Thmay l à lễ mừng năm mới của người dân Khơme, lễ này được tổ chức vào giữa tháng ba âm lịch hàng năm. Đây cũng chính là thời điểm giao mùa giữa mùa mưa và mùa nắng, thời điểm bắt đầu cho...
  • Lễ Donta của người Khơme tại Vĩnh LongẢnh Lễ Donta của người Khơme tại Vĩnh Long
    Lễ Đonta của người dân Khơme được tổ chức vào cuối tháng tám âm lịch, đây cuãng là một trong những hội lễ quan trọng được người dân Khơme xem là cái Tết thứ hai trong năm. Lễ hội Đonta bắt đầu từ ngày...
  • Lễ hội Lăng Ông ở Trà Ôn tại Vĩnh LongẢnh Lễ hội Lăng Ông ở Trà Ôn tại Vĩnh Long
    Lăng Ông - theo cách gọi quen thuộc từ nhiều đời trước của người dân địa phương, đây là khu di tích văn hóa lễ hội đình thần, tọa lạc tại giồng Thanh Bạch thuộc ấp Mỹ Hòa, Thiện Mỹ, cách thị trấn Trà...
  • Lễ cúng Miễu tại Vĩnh LongẢnh Lễ cúng Miễu tại Vĩnh Long
    Lễ cúng miễu là lễ cúng mang tính dân dã, ban tổ chức cúng kiếng cũng chỉ mang tính dân gian. Ở vùng Nam bộ, việc đình miếu đã bớt đi tính chính thống. Thời cận đại, giới phụ nữ chỉ có thể đến lễ bái...

Ghi chú bài viết Lễ hội Kỳ Yên tại Vĩnh Long

Nếu xảy ra lỗi với bài viết Lễ hội Kỳ Yên tại Vĩnh Long, hoặc nội dung chưa chính xác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để chúng tôi chỉnh sửa lại.
Từ khóa:
Lễ kỳ yên mang ý nghĩa là một ngày giỗ hội của làng. Mục đích của lễ kỳ yên là tế thần thành hoàng để cầu quốc thái dân an, xóm làng thịnh vượng, ấm no,...