Lễ hội Khai nhạc của dân tộc Cao Lan tại Tuyên Quang

Thời gian: 2/1 Âm lịch
Hàng năm cứ vào ngày mùng 2 Tết Nguyên đán, bà con dân tộc Cao Lan ở xã Thành Long (huyện Hàm Yên) lại tổ chức Lễ hội Khai nhạc. Các tiết mục trong lễ hội này thể hiện những nét văn hoá truyền thống độc đáo của con người đồng bào dân tộc Cao Lan.

Lễ hội Khai nhạc là lễ hội nằm trong nghi lễ trả nợ (đám tang, đám chay) của 4 dòng họ của người dân tộc Cao Lan: Hoàng, Lương, Lý và Hà. Từ sáng sớm các con cháu đã tổ chức lễ rước kiệu tổ tiên, tổ tông và thần linh từ nhà ra đồng (ngoài đồng sẽ dựng sẵn cái rạp đã lập đàn), sau đó ông thầy mo đánh 3 hồi trống để bắt đầu lễ Khai nhạc. Khi lễ Khai nhạc kết thúc thì cũng là lúc nghi lễ trả nợ hoàn thành. Thầy mo làm phép khai binh khiển tướng, cấp lễ hội này cho tổ tiên, tổ tông và thần linh. Coi như con cháu đã trả nợ xong công ơn của các bậc đã phù hộ cho cuộc sống của họ được bình yên và hạnh phúc trong nhiều năm qua. Nghi lễ trả nợ không phải lúc nào cũng có mà chỉ khi nào có nợ với tổ tiên, tổ tông và thần linh. Tức là đời cha, mẹ, ông, bà trước kia nuôi con, cháu khó, nuôi trâu bò, gà lợn khó, mùa màng thất thu... đã khấn các vị để được phù hộ. Sau khi đã được phù hộ, việc trong nhà ngoài ngõ đều thuận buồm xuôi gió là đến lúc họ phải làm lễ để trả nợ. Nếu đời bố không trả được thì đến đời con, đời cháu phải trả và tuyệt đối không được để quá 3 đời. Các đồ cúng tế trong nghi lễ là lợn (họ Lý, Hà), trâu (họ Hoàng) và bò (họ Lương).

Lễ hội Khai nhạc của dân tộc Cao Lan tại Tuyên Quang ảnh 1

Lễ Khai nhạc gồm có 10 điệu múa: Khai đao mở đường, Tập thể, Mời thần an toạ, Khỉ giã gạo, Bồ câu xoè cánh, Xúc tép, Dâng hương,  Dâng rượu, Dâng trà, Khai đèn và 24 câu xướng. Hát xướng là một hình thức phụ họa (hát đệm) để chuyển bài, qua đó làm tăng thêm tính hấp dẫn và nghiêm trang của lễ hội. 10 điệu múa ở trong lễ Khai nhạc thể hiện sự biết ơn tổ tiên, tổ tông và thần linh đã mang lại những điều may mắn cho con, cho cháu, cho người nhà luôn khoẻ mạnh, trâu bò không bị ốm đau, mùa màng được tốt tươi. Hiện nay, những tiết mục múa trong phần lễ Khai nhạc của nghi lễ trả nợ được các nghệ nhân người dân tộc Cao Lan lưu giữ và thể hiện dưới một hình thức sân khấu hoá. Các tiết mục này đều dùng công cụ chủ đạo đó là trống cái - ông thầy đánh trống và các đồng nhi (tồng nhi - diễn viên múa) múa theo tiếng trống. Diễn viên múa ở đây không phân biệt nam - nữ hay lứa tuổi. Người đánh trống là người giữ vai trò chủ đạo, xuyên suốt trong bài múa, điệu múa. Mỗi một hồi trống gắn với một động tác múa khác nhau. Sau mỗi điệu múa người đánh trống sẽ hát xen vào đó 2 câu xướng - coi như là bản nhạc dạo để các đồng nhi chuẩn bị cho điệu múa tiếp theo.

Lễ hội Khai nhạc của dân tộc Cao Lan tại Tuyên Quang ảnh 2

Hiện nay để lưu giữ nghi lễ truyền thống này hàng năm cứ vào ngày mùng 2 Tết Nguyên đán bà con dân tộc Cao Lan ở xã Thành Long lại mở hội Khai nhạc. Tại buổi lễ bà con dân tộc Cao Lan chuẩn bị một mâm cỗ đơn giản để vái thần Hoàng Làng, sau đó tập trung tại nhà của già làng (thầy mo) mở hội. Lễ hội Khai nhạc thu hút đông đảo bà con trong xã tham gia, không kể dân tộc, không kể dòng họ. Họ đến lễ hội vừa là để vui xuân đón tết, vừa là để học những điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc Cao Lan.

Theo  Báo Tuyên Quang

Bài viết về Tuyên Quang liên quan

Ghi chú bài viết Lễ hội Khai nhạc của dân tộc Cao Lan tại Tuyên Quang

Nếu xảy ra lỗi với bài viết Lễ hội Khai nhạc của dân tộc Cao Lan tại Tuyên Quang, hoặc nội dung chưa chính xác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để chúng tôi chỉnh sửa lại.
Từ khóa:
Hàng năm cứ vào ngày mùng 2 Tết Nguyên đán, bà con dân tộc Cao Lan ở xã Thành Long (huyện Hàm Yên) lại tổ chức Lễ hội Khai nhạc. Các tiết mục trong lễ hội...