Lễ hội Nghinh Ông Vàm Láng tại Tiền Giang

Thời gian: 9/3- 11/3 Âm lịch

Lễ hội Nghinh Ông Vàm Láng - một trong những lễ hội lớn nhất của cư dân vùng biển tại Tiền Giang lễ hội được tổ chức tại xã Vàm Láng, Gò Công Đông, Tiền Giang. Lễ hội diễn ra trong suốt 3 ngày mùng 9, mùng 10 và 11 tháng 3 âm lịch hằng năm nhằm cầu mong cho biển lặng, gió hoà, ngư dân gặp nhiều may mắn làm ăn phát đạt an khang.

Quang cảnh lễ hội nghinh Ông Vàm Láng 
Quang cảnh lễ hội nghinh Ông Vàm Láng 

Mở đầu cho lễ hội Nghinh Ông Vàm Láng là lễ rước sắc thần diễn ra vào ngày mùng 9. Đoàn rước có khoảng trên 50 người cùng với 2 xe ngựa đến đình Kiểng Phước. Cúng an vị và thỉnh sắc, nhạc lễ làm đúng theo như thủ tục từ thời xưa. Trống kèn nổi lên cho đến khi sắc thần được rước về lăng. Rồi ở tại lăng, lễ cúng an vị lại được tổ chức trong sự chờ đợi và theo dõi cũa hàng nghìn người. Vào khoảng 3 giờ chiều, lễ cúng thủy lực, có các phẩm vật dưới biển, phẩm vật trên đất để dâng lên các thần. Nhạc lễ được phục vụ cho đến khi hết cúng. Tới 8 giờ tối, trong ánh đèn đủ các màu, cờ hoa rực rỡ và lễ cúng vong linh thiên vị trước giàn thí. Trên giàn, hàng chục mâm bánh trái và được chất đầy hàng mã. Cúng xong là sẽ đến lễ xô giàn thí. Vào những năm chưa có lệnh cấm đốt pháo, thì người ta tổ chức đốt pháo ran trời. Năm nào được mùa cá thì sẽ đốt pháo bông. Nay không còn đốt pháo, nên dứt nhạc lễ là xô giàn thí, hàng mã được đem đi đốt, trẻ em tranh nhau trèo lên để lấy bánh trái, mặt mày hớn hở.

Lễ hội Nghinh Ông Vàm Láng 
Lễ hội Nghinh Ông Vàm Láng 

Từ xưa đến nay, ở vàm Láng, mỗi lần tổ chức lễ hội Nghinh Ông đều có rước đoàn hát bội về để biểu diễn. Năm nào mà ngư phủ khá giả thì hát bội nhiều đêm, năm nào thất bại thì diễn khoảng chừng 2 đêm. Sau lễ xô giàn thí thì đoàn hát bội diễn trên sân khấu cho đến tận canh một, canh hai thì mới kết thúc.

Rạng sáng ngày mùng 10, khoảng hơn 70 tàu có đặt hương án và được trang hoàng cờ đèn rực rỡ. Thanh niên trai tráng ăn mặc tươm tất đứng sẵn trên tàu. Tiếng trống từ Lăng Ông Nam Hải đổ hồi báo hiệu cho mọi người biết rõ rằng lễ nghinh Ông sắp được tiến hành.

Ban khánh tiết, các vị bô lão, đội nhạc lễ cổ truyền và đội lân rước long đình có bài vị thủy tướng lên trên một chiếc tàu lớn, đã được trang trí đầy cờ và đèn rực rỡ. Đội lân múa trên tàu, tiếng trống lân rộn rã vang trên bến, báo cho tất cả tàu thuyền nổ máy và chuẩn bị xuất phát.

7 giờ, chiếc tàu lớn có chở đội lân, đội nhạc lễ và ban khánh tiết buông neo ra đi, theo sau là hơn 70 chiếc tàu được trang hoàng rực rỡ. Cả một vùng biển ầm ầm trong tiếng kèn, tiếng trống, tiếng máy và đặc nghẹt tàu đi, khung cảnh thật là hoành tráng. Vào những năm chưa cấm đốt pháo, phía trước các mũi tàu là một hàng dây pháo. Pháo nổ cho đến khi tàu quay về đến các bến.

Khi đoàn tàu tiến ra biển cả, trên chiếc tàu lớn có đặt mâm heo quay, xôi và bánh trái. Đội nhạc lễ gồm có 10 người, trong đó gồm có 4 cô đào thày và có 6 nhạc công (một trống hầu, một trống cái, một đờn cò, một bạt lớn, một đầu đường và một kèn) diễn trước long đình. Tàu đi chừng khoảng 8km thì làm thủ tục rước Ông (tức là Nghinh Ông) và chờ Ông lên “vọi”.

Theo như quan niệm của cư dân vùng biển: thì năm nào mà gặp Ông lên vọi thì năm ấy là năm được mùa. Nếu chưa gặp được Ông lên vọi thì có thể chờ một chú cá lớn nào đó lên vọi để hình dung về “Ông”. Và như thế cũng dâng tràn lên niềm hạnh phú về một năm đánh cá sẽ đại thắng.

Khi tưởng tượng ra Ông vọi, thì đội lân múa để nghênh đón. Nhang đèn, trầm hương, rượu đều được dâng lên, chủ lễ sẽ đứng ra khấn vài thỉnh mời Thủy tướng. Các vị bô lão cúi lạy. Đội nhạc lễ phải biểu diễn một cách cung kính. Tàu đi đủ vòng cho đúng thủ tục, rồi sẽ quay về bến.

Đoàn tàu trở về, cờ hoa rực rỡ. Chiếc tàu nào có long đình nổi trống, sẽ đi vào các bến để chúc sự tốt lành cho các đội tàu.

Bên các bờ rạch, nhà nhà đều đặt bàn hương án ngoài trời, với đầy đủ lễ vật,  hương hoa, khói nhang nghi ngút.

Khi tàu trở về lăng. Trên bờ sẽ lại có sẵn một đội lân nghênh đón (trước đây có thêm cả pháo nổ). Long đình, mâm heo quay, lư hương, bánh trái được long trọng đưa vào lăng để làm lễ an vị, trong sự chào đón hoan hỉ của hàng nghìn người.

Tiếp sau phần lễ sẽ là phần hội được tổ chức một cách tưng bừng và náo nhiệt. Đoàn hát bội thì diễn các tuồng xưa. Diễn đêm, diễn ngày tùy theo sức đóng góp của những đội tàu (Đội tàu sẽ được phân theo ngành: ngành sông cầu, ngành lưới gộc, ngành đáy chạy v.v…). Dân làng thả sức xem hát, vui chơi, ăn uống suốt 2 ngày nữa. Trong những ngày lễ hội, tại Vàm Láng, diễn ra nhiều cuộc thi thể thao, nhiều trò chơi như: bón đá, bóng chuyền, bơi lội, kéo co… làm cho không khí ngày hội càng thêm vui tươi, huyên náo.

Một nghi thức trong lễ hội Nghinh Ông Vàm Láng 
Một nghi thức trong lễ hội Nghinh Ông Vàm Láng 

Có thể nói, lễ hội Nghinh Ông là dịp để cho những người dân đánh cá thả hết tâm hồn mình vào những trò chơi giải trí, mà quên đi những ngày mệt nhọc, gian nguy và để hướng tới một mùa bội thu sắp đến. Tục thờ cá Ông ở Vàm Láng đã tạo nên một bản sắc riêng trong dòng chảy tín ngưỡng dân gian khá phổ biến của vùng văn hóa Nam Bộ. Những ai đã từng được tham dự vào những ngày lễ hội đầy ấn tượng này, hẳn sẽ sẽ chẳng thể nào quên.

Bài viết về Tiền Giang liên quan

Ghi chú bài viết Lễ hội Nghinh Ông Vàm Láng tại Tiền Giang

Nếu xảy ra lỗi với bài viết Lễ hội Nghinh Ông Vàm Láng tại Tiền Giang, hoặc nội dung chưa chính xác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để chúng tôi chỉnh sửa lại.
Từ khóa:
Lễ hội Nghinh Ông Vàm Láng - một trong những lễ hội lớn nhất của cư dân vùng biển tại Tiền Giang lễ hội được tổ chức tại xã Vàm Láng, Gò Công Đông, Tiền...