Ấn tượng Lễ tế Nam Giao tại Festival Huế 2010

(lehoi.info) - Lễ tế Nam Giao là lễ tế Trời, Đất và các vị thần linh quan trọng nhất trong bờ cõi quốc gia. Lễ được tiến hành hoành tráng tại Đàn Nam Giao (Thừa Thiên Huế) với tấm lòng thành kính của người dân Huế và du khách gần xa.

Lễ tế gồm có hai phần: Lễ rước Hoàng đế từ Trai Cung lên đàn tế và Lễ tế giao tại đàn tế.

Đoàn ngự đạo rước nhà vua từ Trai Cung (phía tây bắc đàn tế) đi đến đàn chính.
Đoàn ngự đạo rước nhà vua từ Trai Cung (phía tây bắc đàn tế) đi đến đàn chính.

Lễ Tế Giao năm nay có khoảng 1.000 người tham gia (có 160 bô lão đến từ 8 làng xã có truyền thống văn hóa tiêu biểu tại Thừa Thiên Huế) với đầy đủ phục trang, đạo cụ, cờ phướn, nghi trượng cùng 1.000 bông sen trắng được dâng trên các án thờ, 1.000 chiếc đèn lồng thắp sáng quanh đàn tế.

Nhà vua và văn võ bá quan hành lễ trước đàn tế
Nhà vua và văn võ bá quan hành lễ trước đàn tế

Phần nghi lễ ở đàn Nam Giao được xem là nghi lễ phức tạp nhất. Với nhiều hình thức như lễ Nghinh thần, lễ triệt hạ, tống thần, lễ Á hiến tửu, lễ hiến tửu, lễ điện ngọc bạch, đọc chúc văn với hàng trăm nghi tiết đã được nghiên cứu và dàn dựng khá công phu. Nhiều chi tiết tái hiện lịch sử được nghiên cứu khá kỹ lưỡng, đặc biệt là phần thài, là những ca từ gắn liền các trình thức của nghi tiết ở lễ tế Nam Giao trong hệ thống với nhạc lễ cung đình Huế.

Dâng lễ vật hiến tế
Dâng lễ vật hiến tế

Dưới triều Nguyễn, đàn Nam Giao được xây dựng từ năm 1806 ở phía Nam Kinh Thành. Đàn gồm có 3 tầng, tầng trên có hình tròn tượng trưng cho Trời, hai tầng dưới là hình vuông tượng trưng cho Đất và Con Người. Từ khi đàn tế được xây dựng xong cho đến cuối thế kỷ XIX, hàng năm vào mùa xuân triều Nguyễn đều tổ chức Lễ tế Nam Giao; từ thời vua Thành Thái trở đi, cứ 3 năm triều đình mới tổ chức một lần do điều kiện kinh phí hạn hẹp. Trong Lễ tế Giao, có thể đích thân nhà vua làm chủ tế hoặc ủy thác cho quan khâm mệnh đại thần làm chủ tế. Sau năm 1945, di tích đàn Nam Giao đã bị bỏ hoang phế, môi trường cảnh quan bị xâm hại và tàn phá nghiêm trọng.

Từ năm 1993, Đàn Nam Giao đã được trùng tu phục hồi và đã được tổ chức UNESCO ghi tên vào Danh mục di sản Thế giới. Trong các kỳ Festival từ năm 2002 đến nay, Lễ tế Nam Giao đã được nghiên cứu và phục dựng từng phần.

Có thể nói Lễ tế đàn Nam Giao là lễ hội cung đình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, với ước nguyện thiên hạ thái bình, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Bài viết về Thừa Thiên Huế liên quan

1 2 3 4 5 6 7 ... Tiếp

Ghi chú bài viết Ấn tượng Lễ tế Nam Giao tại Festival Huế 2010

Nếu xảy ra lỗi với bài viết Ấn tượng Lễ tế Nam Giao tại Festival Huế 2010, hoặc nội dung chưa chính xác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để chúng tôi chỉnh sửa lại.
Từ khóa:
(lehoi.org) - Lễ tế Nam Giao là lễ tế Trời, Đất và các vị thần linh quan trọng nhất trong bờ cõi quốc gia. Lễ được tiến hành hoành tráng tại Đàn Nam Giao...