Nhiều lễ hội độc đáo tại Phú Yên

Loại hình lễ hội văn hóa - du lịch hiện nay là một hoạt động lễ hội mới. Dự kiến đến năm 2011 kỷ niệm 400 năm Phú Yên, sẽ tổ chức lễ hội văn hóa - du lịch và tổ chức năm du lịch Phú Yên. Văn hóa Phú Yên thời hội nhập không thể không tiếp thu yếu tố văn hóa truyền thống và lễ hội là một trong những nét đặc trưng đó.

Lễ đâm trâu tại Phú Yên
Lễ đâm trâu tại Phú Yên

Phú Yên ngày nay là một trong những địa phương có nhiều lễ hội độc đáo, kế thừa và phát huy những tinh hoa của vùng đất giàu truyền thống. Là tỉnh có dân cư sinh sống trên nhiều địa bàn khác nhau (vùng núi, vùng biển và đồng bằng) đã tạo cho mỗi vùng những nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng. Những sắc thái ấy đã tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo riêng của Phú Yên.

Lễ hội vùng núi

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Yên cư trú chủ yếu ở 3 huyện miền núi là Sơn Hòa, Sông Hinh, và Đồng Xuân. Từ xa xưa, nơi đây đã trở thành vùng đất sử thi với những lễ hội độc đáo. Mặc dù là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mỗi đồng bào lại mang một nét đặc trưng về tín ngưỡng và tập quán, song có thể nhận thấy, những nét đặc trưng của lễ hội miền núi ở Phú Yên gắn với 3 dân tộc thiểu số chính là Chăm - H'roi, Êđê và Bana thể hiện qua những lễ hội tiêu biểu sau:

Lễ hội đâm trâu: thường được tổ chức vào tháng ba hàng năm là một trong những lễ hội lớn, đông vui nhất của cộng đồng. Người miền núi Phú Yên quan niệm, khi bản thân và gia đình gặp bệnh tật hoặc hoạn nạn, chữa trị không khỏi thì phải nhờ sự phù hộ, cứu giúp của thần linh (Yàng). Họ tổ chức lễ hội đâm trâu để trả ơn thần linh. Ngoài nghi thức thờ cúng, lễ hội đâm trâu bao giờ cũng có biểu diễn âm nhạc với những nhạc cụ cổ truyền của từng dân tộc.

Lễ bỏ mả: các tộc người Êđê, Chăm, Bana ở Phú Yên đều có chung quan niệm: trong con người gồm có phần xác và phần hồn. Khi con người chết, chỉ có phần xác là mất đi còn phần hồn vẫn tồn tại. Do vậy, lễ bỏ mả được họ tổ chức để cầu cho linh hồn của người chết vĩnh viễn rời khỏi gia đình và buôn làng, trở về với thế giới của tổ tiên. Từ khi làm lễ bỏ mả, hồn của người chết sẽ không quấy rầy, không đòi hỏi những người đang sống phải phục dịch nữa.

Ban đầu, lễ bỏ mả chỉ do từng gia đình tổ chức, nhưng lại có sự tham gia của mọi thành viên trong buôn làng nên lâu dần trở thành lễ hội chung của cả buôn, cả vùng. Bỏ mả được coi là lễ hội quy mô nhất, thu hút đông đảo các tộc người tham gia và trở thành nét sinh hoạt dân gian mang tính nguyên hợp, bức tranh văn hóa đa màu sắc của các dân tộc vùng núi tại Phú Yên. Tại lễ hội này, nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng, nghệ thuật múa, nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật ăn uống và điêu khắc dân gian được thể hiện tập trung và rõ nét.

Lễ cúng bến nước: hàng năm, người Êđê, Chăm, Bana ở Phú Yên đều tập hợp cả buôn làng tham gia tổ chức lễ cúng bến nước kéo dài 1 - 3 ngày. Theo phong tục, mỗi buôn làng dù lớn hay nhỏ đều có một bến nước riêng - giống như chỉ có một chủ làng. Nếu làng nào có hai bến nước thì phải tách làng, chia làng. Mục đích của lễ cúng bến nước là cầu sức khỏe, đừng đem đến bệnh tật ốm đau, mong muốn thần linh luôn đưa dòng nước sạch, nước mát cho buôn làng. Lễ cúng bến nước cũng là dịp để người dân trong làng tu sửa lại bến nước và đường đi. Khi vụ mùa đã thu hoạch xong, chủ bến nước sẽ mời các già làng đến bàn bạc cách làm và quy định mức đóng góp vật chất cho lễ cúng.

Ngoài những lễ hội kể trên, các đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Yên còn có các lễ hội như: lễ cầu mùa, lễ cúng đầu phục, lễ mừng nhà mới, cúng sân, lễ đổ đầu,... kéo dài trong nhiều ngày với các loại hình sinh hoạt văn hoá rất phong phú, sinh động. Các lễ hội có sự kết hợp giữa nghi thức tâm linh và các sinh hoạt văn hóa đa dạng, tạo nên bản sắc của đồng bào dân tộc phía đông Trường Sơn.

Lễ hội vùng đồng bằng

Lễ cầu ngư: Trên dải đất miền Trung, từ xa xưa Phú Yên cũng như nhiều địa phương khác đã có bộ phận cư dân gắn với nghề biển. Cùng với những nỗ lực chinh phục biển khơi, con người luôn thể hiện sự thành kính trước sự huyền bí của biển cả. Trong tâm thức của ngư dân, tín ngưỡng thờ cá voi đã được hình thành và phát triển thành các lễ hội với những nét văn hóa độc đáo. Dọc theo vùng biển duyên hải miền Trung, nơi nào làm nghề biển nơi đó đều có lăng thờ cá Ông (tên gọi kính trọng của người dân miền biển dành cho cá voi) và thường tổ chức tế lễ hàng năm theo lệ "xuân cúng, thu tế". Trong vài thập kỷ gần đây, ngư dân nhiều vùng biển đã kết hợp lễ cúng cá Ông với lễ cầu ngư thành lễ hội có quy mô lớn nhất của nghề biển. Mong muốn của tất cả ngư dân là cầu mong mưa thuận gió hòa, đi biển gặp nhiều may mắn. Ngày tổ chức lễ cầu ngư tại các làng biển của Phú Yên mỗi nơi một khác, song hầu hết các lễ cúng được tập trung vào hai mùa xuân và mùa thu. Mùa xuân rộ nhất vào thời điểm cuối tháng giêng, đầu tháng hai âm lịch, mở đầu vụ cá. Mùa thu rộ nhất là vào ngày 10 tháng tám âm lịch - thời điểm vụ cá hàng năm kết thúc, lúc ngư dân bắt đầu "thuyền treo neo gác, để xem hát tuồng". Trong lễ cầu ngư, ngoài các nghi thức tế lễ thể hiện sự tôn nghiêm của ngư dân đối với một con vật đã trở thành linh thiêng, còn có nhiều hình thức hội ca hát, diễn trò rất vui nhộn như: múa siêu, hát khai diên (hát dâng cúng thần linh) và hát bả trạo. Múa siêu gồm có 5 bài: Lôi phong, Bể đồng,  Xuân thiên, Lan mã và Múa chúc (còn gọi là chèo bả trạo). Bả trạo còn có nghĩa là nắm chắc tay chèo, tên gọi này gắn liền với động tác diễn xướng. Công tác sưu tầm, nghiên cứu cho thấy ở Phú Yên có nhiều vạn chài còn lưu giữ bài bả trạo này. Mỗi bản trạo lại có những đoạn, lời văn khác nhau, song hầu hết đều mang bố cục chung là mở đầu ra khơi, tiếp đến là đánh bắt cá, nghỉ ngơi, bão tố, chống bão tố và an bình.

Lễ hội đầm Ô Loan: đây thực chất là một loại hình của lễ hội cầu ngư, được tổ chức hàng năm tại đầm Ô Loan vào mùng 7 tháng giêng âm lịch. Phần lễ với nghi thức cúng cá Ông trên đầm của các ngư dân, phần hội là các trò chơi dân gian trên mặt đầm như: đua thuyền chài, bơi lội, hát tuồng, đua thuyền thúng,... Từ năm 1991, Sở Thể dục - Thể thao Phú Yên và Sở Văn hoá - Thông tin Phú Yên đã phối hợp với xã An Cư và thôn Phú Tân (huyện Tuy An) đưa lễ hội truyền thống này thành một lễ hội của tỉnh, thu hút hàng vạn người tham gia.

Hội đánh bài chòi: vào mùa xuân, nhất là dịp Tết Nguyên đán, người dân các làng ở Long Thủy, An Chấn (Tuy An); Hòa An, Hòa Trị (huyện Phú Hòa); Hòa Tân, Hòa Thành, Hòa Vinh (huyện Tuy Hòa trước đây) và thành phố Tuy Hòa vẫn thường tổ chức lễ hội đánh bài chòi. Người dân nơi đây thường cất 9 hoặc 11 chòi (được làm bằng các vật liệu như tranh, tre, nứa, lá) chia thành 2 bên, mỗi chòi có chiều cao 2 đến 3 mét, rộng đủ vài ba người ngồi và một chòi ở giữa dành cho các quan chức địa phương.

Hội bài chòi
Hội bài chòi

Bộ bài chòi là bộ tam cúc cải tiến gồm có 33 lá bài, với những tên gọi được chuyển nôm na như: nhứt nọc, nhì nghèo,thằng bí, ông ầm, lá liễu,... vẽ trên giấy dán vào thẻ tre. Mỗi thẻ tre có ba con bài không trùng lặp nhau. Trong cuộc chơi bài còn có sự kết hợp với lối diễn xướng rất độc đáo. Đây là lễ hội mang đậm chất dân gian của vùng Nam Trung Bộ từ các chòi được dựng lên, từ trang phục truyền thống đến các nhạc cụ dân tộc như: nhị, đàn cò, mõ,... Nhiều người cho rằng đánh bài chòi gợi lại hình ảnh của những người dân Phú Yên thời mở đất. Khi đó, để xua đuổi chim muông phá hoại mùa màng, tránh ác thú, người ta phải dựng chòi canh, rồi từ các chòi canh đó tổ chức trò chơi dân gian đánh bài chòi.

Lễ hội đập Đồng Cam: bắt đầu từ ngày 1-7-1989, sau ngày tách tỉnh Phú Yên, cứ đến ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch, nhân dân Phú Yên lại đến đập Đồng Cam để dâng hương tưởng niệm những người nông dân đã ngã xuống trong thời kỳ xây dựng đập Đồng Cam; từ đó phát triển dần thành ngày hội văn hóa, thu hút được nhiều đối tượng tham gia với lòng thành kính và biết ơn.

Hội thơ trên núi Nhạn: vào rằm tháng giêng âm lịch hàng năm, tại thành phố Tuy Hòa, những người yêu thơ tỉnh Phú Yên lại tổ chức đêm thơ trên núi Nhạn. Trước vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên và trong không gian khoáng đạt của ánh trăng đêm rằm, những người yêu thơ được hòa mình vào không gian thơ. Đặc biệt, đêm thơ trên núi Nhạn đã tạo được hình thức sinh hoạt mang tính cộng đồng, khởi thủy cho việc hình thành ngày hội thơ hàng năm của những người yêu thích thơ trong cả nước. Đây là hoạt động sinh hoạt văn hóa đặc sắc của tỉnh Phú Yên, mang đậm cốt cách "Thượng sơn thi hứng" của các bậc "tao nhân, mặc khách" thời xưa.

Trong những năm gần đây, bên cạnh những lễ hội dân gian, Phú Yên còn xuất hiện các loại hình lễ hội lịch sử, cách mạng. Trong nỗ lực xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ngành văn hóa - thông tin Phú Yên đã có định hướng khôi phục các loại hình lễ hội truyền thống kết hợp với các lễ hội lịch sử, danh nhân nhằm giáo dục truyền thống cách mạng yêu nước với nhiều sáng tạo hấp dẫn đối với nhân dân. Tiêu biểu trong đó là lễ hội đền Lương Văn Chánh (thành phố Tuy Hòa),  lễ hội đền Lê Thành Phương (huyện Tuy An).

Tỉnh Phú Yên vẫn thường được ví là hình ảnh thu nhỏ của đất nước Việt Nam. Có thể dễ dàng nhận thấy điều ấy qua sự đa dạng của các loại hình lễ hội của Phú Yên. Đó là minh chứng sắc nét về một vùng đất giàu truyền thống, đồng thời phản ánh sự phong phú trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Phát huy những tinh hoa còn lưu truyền lại, tỉnh Phú Yên hôm nay đang nỗ lực khơi dậy bản sắc văn hóa độc đáo nhằm gìn giữ và phát triển trong giai đoạn mới, cùng với cả nước phấn đấu xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

Bài viết về Phú Yên liên quan

  • Hội đền Lương Văn Chánh tại Phú YênẢnh Hội đền Lương Văn Chánh tại Phú Yên
    Hội đền Lương Văn Chánh được tổ chức ngày 6/2 âm lịch (ngày nhận sắc lệnh) và ngày 19/9 âm lịch (ngày mất Lương Văn Chánh). Lễ hội thể hiện nét văn hóa truyền thống của người dân Phú Yên, tưởng nhớ công...
  • Lễ hội đền Lê Thành Phương tại Phú YênẢnh Lễ hội đền Lê Thành Phương tại Phú Yên
    Lễ hội đền Lê Thành Phương được tổ chức ngày 27-28 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại xã An Hiệp, huyện Tuy An (Phú Yên). Lễ hội nhằm tỏ lòng thành kính và tri ân công lao to lớn của nhà chí sĩ cách mạng...
  • Lễ bỏ mả của người Ê Đê ở Phú YênẢnh Lễ bỏ mả của người Ê Đê ở Phú Yên
    Phú Yên là vùng đất sinh sống của nhiều dân tộc với nhiều nét văn hóa đặc sắc. Người Ê Đê tập trung ở nơi đây khá đông với đời sống văn hóa riêng biệt. Một trong những nét độc đáo trong văn hóa lễ hội...
  • Lễ hội chùa Từ Quang tại Phú YênẢnh Lễ hội chùa Từ Quang tại Phú Yên
    Lễ hội chùa Từ Quang được tổ chức hàng năm để các tăng ni, phật tử và bà con nhân dân gần xa trong cả nước tưởng nhớ công ơn của các vị hòa thượng có công lao khai lập, trị vì và những vị anh hùng có...
  • Về Phú Yên tham dự lễ hội đâm trâu của người BanaẢnh Về Phú Yên tham dự lễ hội đâm trâu của người Bana
    Lễ hội đâm trâu của người Bana là hoạt động văn hóa giàu bản sắc được tổ chức để tạ ơn đất trời, tạ ơn thần linh, tạ ơn Giàng và cầu Giàng phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu mong cho...
  • Lễ hội Đập Đồng Cam tỉnh Phú YênẢnh Lễ hội Đập Đồng Cam tỉnh Phú Yên
    Lễ hội Đập Đồng Cam được tổ chức ngày 8 tháng Giêng hàng năm nhằm tri ấn những người có công và những người hy sinh trong quá trình xây dựng đập. Lễ hội Đập Đồng Cam thu hút đông đảo du khách gần xa đến...
  • Lễ hội truyền thống sông nước Đà Nông tại Phú YênẢnh Lễ hội truyền thống sông nước Đà Nông tại Phú Yên
    Lễ hội truyền thống sông nước Đà Nông được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới hàng năm tại xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Lễ hội không chỉ tạo không khí sôi nổi vui xuân, mà còn mang ý nghĩa...
  • Lễ hội đua thuyền truyền thống đầm Ô Loan tại Phú YênẢnh Lễ hội đua thuyền truyền thống đầm Ô Loan tại Phú Yên
    Lễ hội đua thuyền truyền thống đầm Ô Loan được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại thôn Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Lễ hội đua ghe truyền thống đầm Ô Loan thu hút nhiều...
  • Vó ngựa tung trời trong hội đua ngựa Gò Thì Thùng tỉnh Phú YênẢnh Vó ngựa tung trời trong hội đua ngựa Gò Thì Thùng tỉnh Phú Yên
    Lễ hội đua ngựa Gò Thì Thùng là một trong hai lễ hội đua ngựa truyền thống còn tồn tại ở Việt Nam. Hội đua ngựa được tổ chức tại di tích lịch sử cấp quốc gia địa đạo Gò Thì Thùng (xã vùng cao An Xuân...
  • Hơn 30 lễ hội,... nằm trong chương trình “Du lịch quốc gia năm 2011”Ảnh Hơn 30 lễ hội,... nằm trong chương trình “Du lịch quốc gia năm 2011”
    (lehoi.org) - Vừa qua, Ban chỉ đạo năm “Du lịch quốc gia 2011” cho biết rằng, đã có khoảng hơn 30 lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô lớn sẽ được tổ chức tại các tỉnh duyên hải Nam Trung...
  • Sẵn sàng cho ngày khai cuộc lễ hội tại Phú YênẢnh Sẵn sàng cho ngày khai cuộc lễ hội tại Phú Yên
    Lần đầu tiên Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011 (DLQGDHNTB-PY2011) với chủ đề “Du lịch biển, đảo” được tổ chức bởi sự liên kết của 8 tỉnh, thành vùng duyên hải Nam Trung Bộ...
  • Khai mạc Năm du lịch quốc gia 2011 tại Phú YênẢnh Khai mạc Năm du lịch quốc gia 2011 tại Phú Yên
    (lehoi.org) - Ngày 1/4/2011, Năm du lịch quốc gia 2011 với chủ đề “Du lịch biển đảo” đã chính thức khai mạc tại Quảng trường 1 tháng 4, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Chương trình nghệ thuật...
  • Tổ chức lễ hội đường phố trong tháng 7 tại Phú YênẢnh Tổ chức lễ hội đường phố trong tháng 7 tại Phú Yên
    (lehoi.org) - Lễ hội đường phố với chủ đề “Du lịch, biển, đảo" dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 7 tại thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Sẽ tổ chức lễ hội đường phố trong tháng 7 tại Phú...
  • 13 tỉnh thành sẽ tham gia “Ngày hội VHTTDL khu vực miền Trung – Tây Nguyên” 2011Ảnh 13 tỉnh thành sẽ tham gia “Ngày hội VHTTDL khu vực miền Trung – Tây Nguyên” 2011
    (lehoi.org) - T ừ ngày 1/7 đến 9/7/2011, chương trình Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên sẽ được tổ chức tại TP Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên...

Ghi chú bài viết Nhiều lễ hội độc đáo tại Phú Yên

Nếu xảy ra lỗi với bài viết Nhiều lễ hội độc đáo tại Phú Yên, hoặc nội dung chưa chính xác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để chúng tôi chỉnh sửa lại.
Từ khóa:
(lehoi.org) - Hiện nay loại hình lễ hội văn hóa - du lịch là một hoạt động lễ hội mới, dự kiến đến năm 2011 kỷ niệm 400 năm Phú Yên, sẽ tổ chức lễ hội văn...