Lễ hội Nàng Han tại Lai Châu

Thời gian: 15/2 Âm lịch
(lehoi.info)- Lễ hội Nàng Han tôn vinh nữ anh hùng đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm của đồng bào người dân tộc Thái trắng, được tổ chức vừa là để tri ân Nàng Han, vừa là để mong cầu sự no ấm, cuộc sống an lành, nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt cho khắp bản làng. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào ngày 15 tháng 2, ở tại bản Tây An xã Mường So. Vào ngày này, bà con dâng hương, hoa, nông sản và thực phẩm do chính bản làng mình làm ra.

Tưng bừng lễ hội Nàng Han
Tưng bừng lễ hội Nàng Han

Tương truyền, Nàng Han xuất thân trong một gia đình người dân tộc Thái nghèo ở Chiềng Sa (ngày nay là xã Mường So, Phong Thổ, Lai Châu). Nàng đã cải trang thành nam giới và đứng lên kêu gọi các thanh niên trai tráng ở các bản đoàn kết đánh giặc. Nàng đứng đầu trong cuộc khởi nghĩa của đồng bào 16 xứ Thái quật cường đánh bại giặc xâm lược phương Bắc. Sau khi dẫn đoàn quân thắng trận trở về, Nàng tắm gội ở mó nước Tây An (thuộc xã Mường So) rồi bay lên trời. Từ đó, để nhớ công ơn của Nàng, bà con đã lập đền thờ và tổ chức Lễ hội ngay ở mó nước Nàng tắm.

Nàng Han trong tâm linh 16 xứ Thái, xứ Mường ở Tây Bắc cũng giống như Bà Trưng, Bà Triệu đối với người Kinh.

Lễ hội Nàng Han tại Lai Châu
Lễ hội Nàng Han tại Lai Châu

Sau 60 năm vắng mặt trong đời sống của đồng bào người dân tộc Thái Tây Bắc.Năm 2008, ngành văn hóa tỉnh Lai Châu và huyện  Phong Thổ nhận thấy cần khơi dựng lại vốn cổ văn hóa hàm chứa rất nhiều trong lễ hội này của người dân tộc Thái, nên đã có dự án phục dựng lại lễ hội này ở nơi cội nguồn sinh ra nó: bản Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh lai Châu.

Lễ hội Nàng Han, trong trí nhớ của những người già ở bản Vàng Pheo, huyện Phong Thổ, thì gồm có sáu bài tế lễ do các thầy mo đảm nhiệm, gồm: Phái lệ tơ, Tùng song tơ, Thá hu nơ, Thá ớc, Quát bó héo, Then hầu phét. Đặc biệt, trong lễ hội còn có tới 32 bài múa dân gian của người dân tộc Thái. Những người hát múa trong lễ hội được tuyển chọn rất khắt khe từ các cô gái trẻ trong bản, luyện tập công phu nhiều ngày. Đến ngày chính lễ, đội múa này sẽ múa từ trong bản ra đến miếu thờ Nàng Han, nơi các vị chức sắc ngự xem.

Đúng vào ngày chính hội, dân làng tập trung trước ngôi miếu thờ Nàng Han mới phục dựng để xem múa hát. Các thầy mo cúng lễ ngay ở ngoài trời. Vật phẩm dâng lên Nàng Han gồm có hoa quả, gà xôi và những tờ giấy bạc của đồng bào dân tộc Thái. Thầy mo cúng xong thì các cô gái trong đội múa với trang phục váy cóm thướt tha biểu diễn các bài dân ca truyền thống ca ngợi về quê hương, tình yêu và công đức của vị nữ tướng anh hùng.

Trò chơi đẩy gậy trong lễ hội
Trò chơi đẩy gậy trong lễ hội

Cùng với phần lễ tái dựng theo trí nhớ của những người già, thì phần hội cũng khá sôi nổi và rầm rộ với những trò chơi dân gian thường thấy trong các ngày hội của đồng bào dân tộc gần đây: kéo co, đẩy gậy, ném còn... Phần trình diễn ẩm thực của người dân tộc Thái, với những món ăn đặc sắc như xôi ba màu, cá nướng và rêu nướng ngay ở bên bờ suối đầu bản khiến các du khách tò mò. Đặc biệt trò chơi thi bắt cá ở dưới con suối thu hút đông đảo trai làng biểu diễn dưới sự hò reo cổ vũ thán phục của những du khách phương xa.

Bài viết về Lai Châu liên quan

Ghi chú bài viết Lễ hội Nàng Han tại Lai Châu

Nếu xảy ra lỗi với bài viết Lễ hội Nàng Han tại Lai Châu, hoặc nội dung chưa chính xác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để chúng tôi chỉnh sửa lại.
Từ khóa:
(lehoi.org)- Lễ hội Nàng Han tôn vinh nữ anh hùng đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm của đồng bào người dân tộc Thái trắng, được tổ chức vừa là để tri ân...