Lễ hội Ăn mừng lúa mới của người Raglai tại Khánh Hoà

(lehoi.info)- Thời gian tổ chức Lễ hội Ăn mừng lúa mới của người dân tộc Raglai bắt đầu từ tháng 11 đến giữa tháng Giêng âm lịch hàng năm, ở tại xã Sơn Hiệp, huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.

Lễ hội Ăn mừng lúa mới của người Raglai
Lễ hội Ăn mừng lúa mới của người Raglai

Trong nghi lễ nông nghiệp của người dân tộc Raglai, lễ hội Ăn mừng lúa mới hết sức quan trọng và nó được xem như là ngày Tết cổ truyền của dân làng. Người dân tộc Raglai có tín ngưỡng đa thần, họ tin rằng, cây cối đều có hồn và được thần linh cai quản. Các vị thần đó đã cho họ có được cuộc sống tốt hơn. Vì thế, sau khi thu hoạch, bao giờ họ cũng làm lễ để cúng tạ thần Lúa - Bắp và Ông Bà tổ tiên đã phù hộ rồi mới ăn. Trong lễ cúng còn cầu xin cho con cháu trong làng được mạnh khỏe, mùa màng năm sau được bội thu hơn năm trước.

Lễ hội do từng gia đình tổ chức, qui mô nhỏ hay lớn thì phụ thuộc vào kết quả thu hoạch mùa vụ và điều kiện kinh tế. Lễ hội thường được tổ chức từ 1 đến 3 ngày.

Các bước trong lễ hội được tiến hành như sau:

 - Trước hết là lên rẫy (chọn rẫy tốt nhất) để làm lễ cúng Thần Lúa, “xin rước Thần Lúa về nhà”. Lễ cúng này rất đơn giản, lễ vật đó là trầu cau, cơm, trứng luộc và rượu. Sau khi cúng, mọi người sẽ cùng nhau tuốt lúa, làm sạch cho vào gùi và rước Thần Lúa về nhà.  

- Lễ Ăn mừng lúa mới là lễ chính được tổ chức rất linh đình và rộn ràng (những gia đình được mùa to và cúng lớn thì tổ chức tại nhà dài). Bà con trong thôn sẽ giúp chuẩn bị gạo, nếp, rau củ, mổ heo, gà và nấu nướng. Đặc biệt là chuẩn bị vật liệu cho việc nấu món canh Bùi. Đó là món canh truyền thống không thể thiếu trong lễ cúng để dâng Thần Lúa - Bắp và dâng Ông Bà. “Canh Bùi có nguyên liệu từ gạo của lúa mới và lá của cây Bột ngọt giã nhuyễn và nấu chung với rau Rịa xắt nhỏ. Canh Bùi khi chín sền sệt, có mùi vị béo, thơm của gạo và ngọt của rau”.

Một nghi thức trong lễ hội ăn mừng lúa mới của người Raglai
Một nghi thức trong lễ hội ăn mừng lúa mới của người Raglai

Thầy cúng hành lễ có sự chứng giám của gia đình và của bà con trong thôn. Các nghi thức cúng được tiến hành rất cẩn trọng.

Sau phần lễ, chủ nhà thường bưng chén rượu đến và mời từng người một. Mọi người cùng nhau ăn, uống và chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Rượu càng vào thì các điệu hát A - lâu, Ma - Diêng và nhịp chiêng Sa - va - lâu, Ato - pa - krúc..., càng sôi nổi. Thanh niên trong làng còn đốt lửa trại, cùng nhau ca hát và nhảy múa suốt đêm. Cứ như vậy, mùa lễ hội của người dân tộc Raglai có khi kéo dài đến cả tháng, các làng (Plơi) luôn rộn rã tiếng cồng tiếng chiêng.

Tưng bừng lễ hội ăn mừng lúa mới của người Raglai
Tưng bừng lễ hội ăn mừng lúa mới của người Raglai

Lễ ăn lúa mới diễn ra hằng năm sau mỗi một vụ thu hoạch. Đây là một nét văn hoá đẹp trong đời sống tinh thần của người dân tộc Raglai, và là dịp để con cháu trong gia đình và bà con lối xóm cùng chung vui, uống rượu cần và cùng nhau đánh mã la, cồng chiêng và múa hát quanh đống lửa thâu đêm suốt sáng./.

Bài viết về Khánh Hoà liên quan

Ghi chú bài viết Lễ hội Ăn mừng lúa mới của người Raglai tại Khánh Hoà

Nếu xảy ra lỗi với bài viết Lễ hội Ăn mừng lúa mới của người Raglai tại Khánh Hoà, hoặc nội dung chưa chính xác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để chúng tôi chỉnh sửa lại.
Từ khóa:
(lehoi.org)- Thời gian tổ chức Lễ hội Ăn mừng lúa mới của người dân tộc Raglai bắt đầu từ tháng 11 đến giữa tháng Giêng âm lịch hàng năm, ở tại xã Sơn Hiệp,...