Tưng bừng Hội Gióng năm 2011

(lehoi.info) - Ngày mùng 8/2/2011 (tức ngày mùng 6 Tết), tại đền Sóc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và Hội Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội hàng vạn người dân Thủ đô và các du khách thập phương đã nô nức về để dự lễ khai Hội Gióng. Sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2010, Hội Gióng đền Sóc năm nay càng đặc biệt đã thu hút được sự chú ý của đông đảo nhân dân, các du khách trong nước và quốc tế.
Tưng bừng Hội Gióng 2011
Tưng bừng Hội Gióng 2011

Ngay từ buổi sáng sớm, hàng vạn người dân của huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội và các du khách thập phương đã đổ về đây để trẩy hội. Tại đền Thượng, nghi lễ tế “Bát xã” đã được bà con nhân dân huyện Sóc Sơn thực hiện trong sự trang nghiêm và thành kính. Các lễ vật như cây giò hoa tre đầu nước, ngựa chiến, voi trận và trầu cau đều mang ý nghĩa gắn liền với hành trình dẹp giặc của Phù Đổng Thiên Vương Thánh Gióng, được các thôn, các xã dâng cúng cầu cho một năm thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Ngoài những điều nguyện ước được mang theo, những người dân đến nơi đây còn để hòa mình vào với không khí linh thiêng của lễ hội dân gian độc đáo cả về truyền thuyết lẫn diễn xướng. Về với hội Gióng mới thấy được ý thức của việc bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa ngay trong chính đời sống cộng đồng dân cư. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, bởi lễ hội dân gian chỉ có thể tồn tại và duy trì khi được nuôi dưỡng bởi những người dân - những chủ nhân của lễ hội.

Màn múa cờ ra trận độc đáo tại hội Gióng Phù Đổng
Màn múa cờ ra trận độc đáo tại hội Gióng Phù Đổng

Theo truyền thống, nhân dân ở 8 thôn thuộc 6 xã xung quanh khu vực đền Sóc (Tân Minh, Tiên Dược, Phù Linh, Đức Hòa, Xuân Giang, Bắc Phú) sẽ làm lễ rước hương hoa, trầu cau, oản phẩm, giò hoa tre, voi chiến, kiệu Tướng, cỏ voi, kiệu cầu Húc… để thể hiện tình cảm biết ơn trân trọng đối với Thánh Gióng và niềm tự hào về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm và tinh thần thượng võ của dân tộc. Điều đặc biệt nhất ở lễ hội này là lễ dâng giò hoa tre. Đó là những thanh tre cật được vót mỏng, đầu tuốt bông có nhuộm phẩm màu, đó là tượng trưng cho roi ngựa của Thánh Gióng. Hoa tre được những người dân Phù Linh dâng lễ ở đền Thượng và rước xuống đền Hạ rồi mới phát cho bà con và cho du khách làm lộc may mắn đầu xuân. Thánh Gióng là một trong “tứ Thánh bất tử” của tín ngưỡng dân gian nước Việt Nam, gắn liền với huyền thoại cậu bé làng Phù Đổng dũng cảm đánh thắng giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước. Tại khu vực núi Sóc là quần thể di tích Đền Sóc - chùa Non - Học viện Phật giáo Việt Nam - Tượng đài Thánh Gióng. Trong đó mới nhất đó là Tượng đài Thánh Gióng được đặt tại đỉnh núi Đá Chồng cao khoảng 297m trên dãy núi Sóc. Theo lưu truyền ở nơi đây là nơi Thánh Gióng sau khi thắng giặc đã cởi bỏ giáp sắt, hiển Thánh để trở về trời. Tượng đài Thánh Gióng là một công trình văn hóa tâm linh trọng điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, với tổng kinh phí (giai đoạn thực hiện) ước tính khoảng 60 tỷ đồng, trong đó riêng phần đúc tượng là 30 tỷ đồng. Trong khuôn khổ lễ hội đã tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa thể thao và những trò chơi dân gian, tạo điều kiện cho những người dân địa phương và cho các du khách tham gia vui xuân, như vật dân tộc, bóng chuyền, thi đấu cờ người, và những trò chơi dân gian như thi đu, chọi gà, ném còn, kéo lửa thổi cơm thi… Lễ hội diễn ra trong vòng 3 ngày và kết thúc vào ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch (tức ngày mùng 10/2/2011)./.
Đoàn rước hoa tre trong Hội Gióng
Đoàn rước hoa tre trong Hội Gióng
 lehoi.info   

Bài viết về Hà Nội liên quan

1 2 3 4 5 6 7 ... Tiếp

Ghi chú bài viết Tưng bừng Hội Gióng năm 2011

Nếu xảy ra lỗi với bài viết Tưng bừng Hội Gióng năm 2011, hoặc nội dung chưa chính xác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để chúng tôi chỉnh sửa lại.
Từ khóa:
(lehoi.org) - Ngày mùng 8/2/2011 (tức ngày mùng 6 Tết), tại đền Sóc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và Hội Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội hàng vạn người dân Thủ đô...