Lễ hội Chùa Hương: giăng lưới mềm hứng tiền lễ của dân

Tại Lễ hội Chùa Hương năm 2012, dự kiến Ban Tổ chức sẽ giăng lưới mềm ở những khu vực du khách hay ném tiền lễ xuống để hứng... tránh lãng phí.

Trao đổi với PV, bà Lê Thị Tân Trang, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cho biết, để chuẩn bị vào mùa lễ hội 2012, Sở đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị tổ chức các lễ hội chu đáo và theo đúng quy định của Nhà nước cũng như quy định của Thành phố. 

Bà Trang cho biết, hiện Hà Nội có tất cả 1095 lễ hội lớn nhỏ, rải đều ở hầu hết tất cả các địa bàn trong Thành phố. Ngoài giá trị chính của các lễ hội về mặt văn hoá, thời gian gần đây tại các lễ hội còn tồn tại nhiều vấn đề tiêu cực như việc xử lý vi phạm chưa triệt để, thiếu nhà vệ sinh công cộng, thiếu thùng rác, hiện tượng cờ bạc biến tướng diễn ra ở nhiều nơi… Ngoài ra còn có tình trạng tranh cò mồi tranh giành khách đi xe, đi đò hay trông xe giá cao, đặt quá nhiều hòm công đức các di tích, bày bán thịt thú rừng tươi sống.. Đặc biệt, tại một số lễ hội còn có hiện tượng giắt tiền lễ “mồi” ở mọi nơi, kể cả kẽ tay tượng phật, gốc cây, thậm chí dưới đất gây mất vệ sinh và mất thẩm mỹ cho khu di tích.

BTC lễ hội Chùa Hương giăng lưới mềm hứng tiền lễ của dân ảnh 1
BTC lễ hội Chùa Hương giăng lưới mềm hứng tiền lễ của dân

Năm nay, Thành phố sẽ cương quyết thực hiện thu gom số tiền này để sử dụng đúng mục đích vì dù là tiền lẻ đi chăng nữa, cũng vẫn có in hình Quốc huy, hình Lãnh tụ..” - bà Trang cho biết. 

Cũng theo bà Trang, tại Chùa Hương thường có hiện tượng khách hành hương ném tiền xuống suối hoặc giếng, do vậy năm nay dự kiến BTC sẽ cho giăng lưới mềm ở các khu vực này để hứng tiền, không cho rơi xuống suối.

Đặc biệt, năm nay các cơ quan quản lý sẽ làm rất nghiêm về vấn đề bày bán thịt tươi sống tại các lễ hội. “Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương phải tuyên truyền và hạn chế đến mức tối đa việc buôn bán thực phẩm tươi sống tại khu di tích. Bắt buộc phải chứa thực phẩm vào tủ lạnh chứ không thể treo thịt sống trước cửa hàng gây phản cảm nơi thiêng liêng và khiến du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài có cái nhìn thiếu thiện cảm về nước ta, coi chúng ta là man rợ” - bà Trang chia sẻ.

Liên quan đến việc đặt quá nhiều hòm công đức tại các lễ hội, bà Trang cho biết, các di tích hiện nay đều do Nhà nước công nhận và khi tôn tạo thì Nhà nước phải bỏ kinh phí, tuy nhiên tiền công đức thu được ở nơi đây rất nhiều nhưng hiện nay chưa có phương án quản lý.

Bà Trang cũng cho biết, trong năm nay, Sở VHTTDL thành phố sẽ tổ chức đi kiểm tra tại 21 lễ hội lớn về công tác tổ chức và quán triệt nội dung quy định về tổ chức, tập huấn cho các chủ dịch vụ, chủ xe, bến bãi, chủ xuồng đò phục vụ cho lễ hội có thái độ ứng xử văn minh, an toàn, an ninh và và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Phạt đến 300.000 đ nếu vứt rác tại Chùa Hương

Trước vấn đề mất vệ sinh môi trường tại lễ hội Chùa Hương, năm nay, Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương sẽ áp dụng nghiêm túc Nghị định của Thủ tướng Chính phủ về phạt vi phạm vệ sinh môi trường, với mức tiền phạt từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng tùy từng trường hợp.

Năm nay, sẽ không để tái diễn tình trạng treo thịt tươi sống, thịt thú rừng ở lễ hội Chùa Hương - (ảnh: ANTĐ)
Năm nay, sẽ không để tái diễn tình trạng treo thịt tươi sống, thịt thú rừng ở lễ hội Chùa Hương - (ảnh: ANTĐ)

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, năm 2011, lễ hội Chùa Hương đã đón trên 1,4 triệu lượt khách đến du xuân, trẩy hội. Đây là lượng du khách lớn nhất kể từ trước đến nay. Tuy nhiên, lượng du khách quá lớn và tập trung trong một thời gian ngắn đã khiến công tác tổ chức còn nhiều bất cập.

Năm nay, huyện Mỹ Đức lên kế hoạch chuẩn bị rất chu đáo để lễ hội diễn ra tốt đẹp. Trước đó, UBND huyện Mỹ Đức đã thành lập Ban tổ chức Lễ hội do Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban và tập trung cán bộ của các cơ quan TP, huyện, xã có tinh thần trách nhiệm tham gia phục vụ lễ hội.

Tại lễ hội chùa Hương năm nay, BTC đã cấm các cá nhân, doanh nghiệp mở các điểm kinh doanh trong các chùa, động, các đoạn đường hẹp hoặc vực sâu không an toàn. Việc xử lý rác thải tại chỗ sẽ được áp dụng công nghệ hiện đại với kinh phí trên 10 tỷ đồng do một doanh nghiệp tặng.

Để tránh tình trạng ách tắc đò trên suối Yến, năm nay đoạn bến đò Thiên Trù đã được các cơ quan chức năng đầu tư mở rộng. Đặc biệt, năm nay, các chủ đò đã ký cam kết tuyệt đối không xin thêm tiền của khách đi đò bởi tiền vé thăm quan, vé đò năm nay đã được tăng “kịch trần” theo quy định của Thành phố.

Trước đó, trụ sở của Ban quản lý lễ hội cũng đã được xây dựng mới. Khu nhà khách và nhà nhà đã được làm xong ngay trong khu vực chùa Thiên Trù để tiện lợi cho du khách. Các công trình vệ sinh công cộng cũng đã được đầu tư tu bổ để phục vụ du khách.

Liên quan đến công tác vệ sinh môi trường tại lễ hội Chùa Hương năm nay, BTC cho biết, những người vi phạm như vứt rác không đúng nơi quy định gây mất vệ sinh môi trường… sẽ bị xử phạt theo Nghị định 23 của Chính phủ. Việc xử phạt sẽ do lực lượng Cảnh sát môi trường thành phố đảm nhiệm theo hình thức phạt tại chỗ, có camera ghi hình để làm bằng chứng và mức phạt theo quy định là từ 100.000đ - 300.000đ.

 Giá vé thăm quan Chùa Hương theo quy định của TP như sau:
 
 Vé tham quan thắng cảnh + phí bảo hiểm: 50.000đ/người/lượt
 
 Người cao tuổi (trên 60 tuổi) và trẻ em (từ 15 tuổi trở xuống): 25.000đ/người/lượt
 
 Vé đò thường tuyến Hương Tích: 35.000đ/người/lượt (vào + ra)
 
 Vé đò thường tuyến Long Vân - Tuyết Sơn: 25.000đ/người/lượt (vào + ra)
 
 Vé chất lượng cao cộng thêm 5.000đ/lượt (vào + ra)

Theo VnMedia

Bài viết về Hà Nội liên quan

1 2 3 4 5 6 7 ... Tiếp

Ghi chú bài viết Lễ hội Chùa Hương: giăng lưới mềm hứng tiền lễ của dân

Nếu xảy ra lỗi với bài viết Lễ hội Chùa Hương: giăng lưới mềm hứng tiền lễ của dân, hoặc nội dung chưa chính xác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để chúng tôi chỉnh sửa lại.
Từ khóa:
Trao đổi với báo chí, bà Lê Thị Tân Trang, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch cho biết, để chuẩn bị vào mùa lễ hội 2012, Sở đã chỉ đạo các địa...