Độc đáo Lễ hội Ariêu Ping của người Pa Cô tại Quảng Trị

(lehoi.info) - Từ ngày 13 đến ngày 15/7 vừa qua, đồng bào dân tộc Pa Cô đã tổ chức Lễ hội Ariêu Ping tại xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị nhằm tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ đến những người đã khuất.

Lễ hội Ariêu Ping là hoạt động tổ chức cất bốc, cải táng đối với những ngôi mộ của tất cả các dòng họ trong làng mà trước đó an táng rải rác các nơi, quy tập về một khu vực để tiện thăm viếng, hương khói, chăm sóc. Đây là một lễ hội có từ lâu đời mang đậm nét văn hóa truyền thống và quan trọng bậc nhất của người Pa Cô. 

Người dân trong trang phục truyền thống và những điệu múa đặc trưng quanh bãi đất Pa Roong.
Người dân trong trang phục truyền thống và những điệu múa đặc trưng quanh bãi đất Pa Roong.

Lễ hội tổ chức cũng là dịp để đồng bào phân định lại ranh giới đất đai; giải quyết các vấn đề vướng mắc cả về phong tục tập quán lẫn đời sống đã tồn tại trong cộng đồng; phân công trách nhiệm của từng làng về quan hệ giao tiếp, ứng xử và đối phó, xử lý các tình huống có thể xảy ra trong đời sống hàng ngày....

Chỉ những già làng, trưởng bản mới được sử dụng tù và truyền thống.
Chỉ những già làng, trưởng bản mới được sử dụng tù và truyền thống.

Lễ hội năm nay được tổ chức với sự tham gia của 9 thôn trong xã; đồng thời có sự góp mặt chung vui của 7 xã khác vào các hoạt động văn nghệ, thể thao.

Đầu tiên, đồng bào làm chung một ngôi nhà ở trung tâm để mời các trưởng bản, già làng lân cận và những vị khách quý đến tham dự lễ đến ở trong suốt thời gian lễ hội.

Các đội biểu diễn cồng chiêng
Các đội biểu diễn cồng chiêng


Khi bà con dân bản được tập trung về làng sau thời gian chiến tranh, Lễ hội Ariêu Ping được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 12/1975. Lần thứ hai vào năm 1986 với sự tham gia của 12 làng nhằm giải quyết các tồn tại về vấn đề hôn nhân, luật tục, tập quán sống, vấn đề quản lý và về ứng xử trong cộng đồng.

Tiếp đến, những ngôi nhà mồ là nơi đặt các hài cốt được bốc từ các nơi khác nhau về được dựng lên. Việc đặt nhà mồ cũng phải theo thứ tự, vị trí đầu tiên là nhà mồ của chủ làng, kế đến là các dòng họ của làng. Địa điểm đặt nhà mồ là ở gần các con suối có nước chảy quanh năm. Theo quan niệm của người Pa Cô, việc đặt nhà mồ ở đó để những người đã khuất ở thế giới bên kia luôn mát mẻ và thuận lợi trong làm ăn. Nhà mồ nơi đặt các hài cốt tập thể, hướng đầu quay về phía núi cao thoáng rộng, không phân biệt gái, trai, ai chết trước đặt sau (tức là đặt ở bên trên), ai chết sau đặt trước. Phía trước nhà mồ được trang trí bằng các hình người nam, nữ khỏa thân đẽo bằng cây rừng tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở và hạnh phúc như vòng đời bất tận. 

Trong thời gian lễ hội, các nghi lễ thờ cúng diễn ra theo phong tục của đồng bào Pa Cô. Sau đó, mọi người tham gia lễ hội đều nhảy múa xung quanh nhà mồ đến khi lễ hội kết thúc.

Nhiều hoạt động văn hóa truyền thống cũng được tổ chức trong thời gian diễn ra lễ hội. Đặc biệt lễ hội đâm trâu thu hút nhiều sự chú ý của bà con dân tộc./.

Bài viết về Quảng Trị liên quan

Ghi chú bài viết Độc đáo Lễ hội Ariêu Ping của người Pa Cô tại Quảng Trị

Nếu xảy ra lỗi với bài viết Độc đáo Lễ hội Ariêu Ping của người Pa Cô tại Quảng Trị, hoặc nội dung chưa chính xác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để chúng tôi chỉnh sửa lại.
Từ khóa:
(lehoi.org) - Từ ngày 13 đến ngày 15/7 vừa qua, đồng bào dân tộc Pa Cô đã tổ chức Lễ hội Ariêu Ping tại xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị nhằm tỏ...