Tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc qua lễ hội Cần Vương, Quảng Trị 2010

(lehoi.info) - Nhằm khắc họa và khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tự hào về một vùng đất, một địa danh nổi tiếng gắn với phong trào đấu tranh chống giặc ngoại xâm, UBND huyện Cam Lộ đã tổ chức lễ hội Cần Vương với chủ đề “Tân Sở dấy nghĩa Cần Vương” trong hai ngày 13 và 14/7/2010.

Khu di tích lịch sử Tân Sở nơi dấy lên phong trào Cần Vương
Khu di tích lịch sử Tân Sở nơi dấy lên phong trào Cần Vương

Tham dự buổi lễ về phía Trung ương có: PGS.TS Đỗ Bang, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam; đại diện lãnh đạo Cục Di sản văn hóa Bộ VH-TT&DL, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế; đồng chí Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; lãnh đạo các Sở, ban ngành cấp tỉnh; lãnh đạo cùng đông đảo nhân dân huyện Cam Lộ và các địa phương trong tỉnh.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội Cần Vương 2010 được dàn dựng hoành tráng, công phu, mang tính sử thi với sự tham gia biểu diễn của 500 vận động viên, diễn viên thuộc các đoàn nghệ thuật, võ đường chuyên nghiệp và diễn viên quần chúng.

Sau phần nghi thức, 3 chương của chương trình đã lần lượt diễn ra là: Tân Sở- Tiếng vọng non sông; Tân Sở dấy nghĩa Cần Vương và Cam Lộ ngày nay. Nội dung các chương tái hiện lại trang sử bi hùng cách đây 125 năm, vua Hàm Nghi cùng quan quân triều Nguyễn từ kinh thành Huế chọn Tân Sở để xây dựng sơn phòng và ban Chiếu Cần Vương kêu gọi văn thân, sĩ phu yêu nước và nhân dân đứng lên giúp vua kháng chiến chống Pháp. 

Đặc biệt trong khuôn khổ lễ hội, thu hút nhiều sự chú ý của dư luận là Hội thảo “Thành Tân Sở với phong trào Cần Vương”. Hội thảo chủ yếu làm sáng tỏ 2 chủ đề: “Bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Thành Tân Sở” và “Thành Tân Sở với phong trào Cần Vương” với 6 ý kiến thảo luận và 10 tham luận tại hội thảo đã nêu bật những giá trị to lớn về vị trí, vai trò của thành Tân Sở trong lịch sử cận đại Việt Nam. Từ phác thảo diện mạo kiến trúc thành Tân Sở với tư cách là trung tâm dấy nghĩa của phong trào Cần Vương cho đến việc nhìn nhận, đánh giá các nhân vật lịch sử như Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Hàm Nghi,  … 

Trong chương trình lễ hội còn có hội trại “Tri ân nghĩa sĩ Cần Vương” với các hoạt động cộng đồng như: biểu diễn võ thuật cổ truyền, văn nghệ quần chúng, thi đấu thể thao, các hội thi cắm hoa, nấu cơm, ẩm thực, trò chơi dân gian, …

Tổ chức lễ hội Cần Vương 2010 đã mở ra một tầm nhìn mới, một cơ hội mới khẳng định tính xác thực của lịch sử trong chủ trương phục dựng tôn tạo và phát huy tiềm năng của di tích, biến vùng đất nơi đây trở thành địa chỉ văn hóa- du lịch cấp quốc gia như vị thế vốn có của nó trong lịch sử./.


Bài viết về Quảng Trị liên quan

Ghi chú bài viết Tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc qua lễ hội Cần Vương, Quảng Trị 2010

Nếu xảy ra lỗi với bài viết Tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc qua lễ hội Cần Vương, Quảng Trị 2010, hoặc nội dung chưa chính xác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để chúng tôi chỉnh sửa lại.
Từ khóa:
(lehoi.org) - N hằm khắc họa và khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tự hào về một vùng đất, một địa danh nổi tiếng gắn với phong trào đấu tranh chống giặc ngoại...