Tổ chức lễ hội Katê 2012 tại Bình Thuận

(lehoi.info) - Diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/10, những ngày này tỉnh Bình Thuận đang khẩn trương chuẩn bị cho việc tổ chức Lễ hội Katê 2012 tại di tích Tháp Pô Sah Inư, thành phố Phan Thiết.

Có thể nói, Lễ hội Katê của đồng bào dân tộc Chăm tỉnh Bình Thuận đã góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc. Việc hàng năm tổ chức lễ hội Katê không chỉ để duy trì và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể mà còn góp phần quảng bá, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của Bình Thuận nói chung và văn hóa của cộng đồng người Chăm nói riêng đến du khách trong và ngoài nước. Những giá trị văn hóa của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, góp phần cho sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước. 

Lễ rước kiệu trang phục nữ Thần về Tháp Po Sah Inư
Lễ rước kiệu trang phục nữ Thần về Tháp Po Sah Inư

Lễ hội năm nay được tổ chức như thường lệ với đầy đủ các nghi lễ. Một ngày trước khi chính thức diễn ra Đại lễ, lễ rước y phục nữ Thần Pô Sah Inư và lễ rước hương án từ huyện Hàm Thuận Bắc đến dưới chân tháp. Trong tiếng trống Ghi năng, Paranưng rộn ràng hòa cùng tiếng kèn Saranai đậm chất dân tộc, các thiếu nữ Chăm trong trang phục truyền thống, vừa đi vừa múa quạt. Khi đến khuôn viên tháp, đoàn rước dừng lại để từng xóm, từng làng chuẩn bị lễ vật, sẵn sàng cho lễ Tẩy uế. 

Tháp Chăm Po Sah Inư - nơi diễn ra lễ hội
Tháp Chăm Po Sah Inư - nơi diễn ra lễ hội

Đền Tháp theo quan niệm của người Chăm là nơi trú ngụ của thần linh. Vì vậy, với một lễ hội lớn như lễ hội Katê, người Chăm phải làm lễ Tẩy uế, hay còn gọi là lễ Tống ôn. Phẩm vật cho lễ này là trái cây, trứng, rượu và trầu cau. Nghi thức cúng Tẩy uế là do Ban tế lễ chức sắc đạo Bàlamôn thực hiện. Tiếp đến, nghi lễ được xem là quan trọng nhất của lễ hội Katê là phần rước trang phục nữ thần Pô Sah Inư, mở cửa tháp và tắm bệ thần Linga - Yoni. Sau khi lễ vật đã được chuẩn bị chu đáo và Ban tế lễ đã sẵn sàng, thì lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư bắt đầu được tiến hành. Đầu tiên là lễ rước y phục được tiến hành rất trọng thể, vì đây là nghi lễ quan trọng nhất. 

Các tiết mục múa hát của thiếu nữ Chăm trong ngày hội
Các tiết mục múa hát của thiếu nữ Chăm trong ngày hội

Tham gia đoàn rước y phục có các kiệu y phục, chức sắc người Chăm theo đạo Bàlamôn, thầy kéo đàn Kanhi, những thanh thiếu niên phụ lễ, thiếu nữ Chăm múa quạt, nhạc lễ truyền thống, ... Các thiếu nữ Chăm trong trang phục truyền thống thỉnh y phục từ chân tháp cho đến đền tháp chính, vừa đi vừa múa quạt. Trước ngôi tháp thiêng liêng ấy, thầy kéo đàn kanhi, các thiếu nữ Chăm, nhóm nhạc lễ, … tiến hành nghi thức múa mừng chào đón các vị thần về với dân làng trong ngày đại lễ. Khi kết thúc nghi thức hành lễ, đây cũng chính là điệu múa mừng của người Chăm. Khi điệu múa kết thúc cũng là lúc lễ rước y phục hoàn tất. Lúc này các tu sỹ bắt đầu xin phép thần mở cửa tháp. Lễ vật cúng xin mở cửa tháp gồm trầu cau, trứng, rượu, nước được pha với các hương vị khác. Nghi thức này được chủ trì bởi Ban tế lễ Bàlamôn. 

Sau lễ mở cửa tháp là lễ tắm tượng và lễ mặc y phục Linga - Yoni. Người chủ trì lễ làm phép, đọc kinh cầu nguyện xin thần về hưởng lễ vật và phù hộ độ trì cho dân làng.  Phần hội được mở đầu bằng các cuộc thi vượt chướng ngại vật, bịt mắt đập niêu, chế biến ẩm thực Chăm, làm bánh gừng, ngậm chanh về đích và nhất là thi trưng bày, trang trí lễ vật để dâng cúng nữ Thần. Vào buổi tối sẽ là các nghệ nhân, diễn viên Chăm trình diễn các tiết mục liên hoan văn nghệ dân gian như: giới thiệu trang phục Chăm dùng trong các lễ hội dân gian, lễ cưới, sinh hoạt, lao động, học tập; ca múa, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, …

Bài viết về Bình Thuận liên quan

1 2 3 4 Tiếp

Ghi chú bài viết Tổ chức lễ hội Katê 2012 tại Bình Thuận

Nếu xảy ra lỗi với bài viết Tổ chức lễ hội Katê 2012 tại Bình Thuận, hoặc nội dung chưa chính xác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để chúng tôi chỉnh sửa lại.
Từ khóa:
(lehoi.org) - Diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/10, những ngày này tỉnh Bình Thuận đang khẩn trương chuẩn bị cho việc tổ chức Lễ hội Katê 2012 tại di tích Tháp...