Đặc sắc lễ hội Kỳ Yên ở đình làng Lạc Tánh, Bình Thuận

(lehoi.info) - Ngày 30/3/2010 (tức 15/2 âm lịch), lễ hội Kỳ Yên đã chính thức khai mạc tại làng Lạc Tách, huyện Tách Linh, Bình Thuận.

Lễ hội chính thức diễn ra từ chiều ngày rằm tháng hai với nghi lễ nghinh thần, sau đó đến lễ thỉnh sinh, lễ tế thần và các nghi thức tế âm linh. Từ nửa đêm tới sáng, cứ vài giờ lại có một lượt nối tiếp nhau. Lễ cầu quốc thái dân an diễn ra ngày hôm sau (tức ngày 16 âm lịch) - đây là chánh lễ tế xuân - Kỳ Yên. Nghi lễ gồm có dâng rượu, dâng hương, dâng trà và đọc bài văn tế…

Lễ rước kiệu của làng Kỳ Yên
Lễ rước kiệu của làng Kỳ Yên

Kết thúc nghi thức cầu quốc thái dân an cũng là lúc lễ hội Kỳ Yên của đình làng Lạc Tánh kết thúc. Sau các nghi lễ, vật cúng tế được mang xuống cùng với sự đóng góp tự nguyện của dân làng. Một bữa tiệc diễn ra ngay tại khuôn viên của đình. Mọi người dự lễ hội chẳng phân biệt đâu là chủ, đâu là khách. Họ cùng quây quần bên nhau vừa ăn uống vừa trò chuyện vui vẻ, cùng nâng ly rượu chúc sức khỏe lẫn nhau, chúc mừng lễ hội thành công, ...Trong tâm trí người dân nơi đây, họ luôn tin tưởng Thành hoàng Bổn xứ sẽ bao bọc độ trì cho người người khỏe mạnh yên vui, quốc thái dân an, mùa màng bội thu, tươi tốt.

Dâng lễ vật vào đình làng
Dâng lễ vật vào đình làng

Việc tổ chức và duy trì các lễ hội văn hóa dân gian truyền thống theo đúng tập tục và các nghi thức xưa đã thể hiện rõ nét giá trị văn hóa phi vật thể của đình làng Lạc Tánh. Có một khoảng thời gian dài khi đình làng không còn hiện diện nữa, nhưng các tập tục vẫn được người dân duy trì, điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc tế lễ đối với đời sống tinh thần của nhân dân địa phương.

Biểu diễn hát bội xưa
Biểu diễn hát bội xưa

Thường thì mỗi năm hay cứ ba năm một lần (đáo lệ Kỳ Yên), Ban tế tự đình sẽ thuê một gánh hát bội về trình diễn gọi là hát chầu, trước để cúng thần (chức năng chính), sau để giúp vui cho dân làng. Tuồng diễn (thường là 3, 4 tuồng) đều phải tuân thủ một cách nghiêm nhặt những quy phạm chính thống. Điều này thể hiện rõ trong hầu hết mọi nghi thức, nhất là phần lễ tôn vương. Nói chung, các vỡ diễn đều phải biểu hiện cho được ý nghĩa: "trung thắng nịnh, chính thắng tà" và kết thúc bằng một màn tôn chân chúa (tôn vương) hay tôn soái.

Lễ hội Kỳ Yên của đình làng Lạc Tánh không chỉ là lễ hội của người Kinh nơi đây mà còn là lễ hội chung của các dân tộc anh em K’ho, Raglai, Chăm bản địa hay từ các vùng lân cận. Đây là một nét đặc sắc riêng hiếm thấy ở những đình làng khác. Việc các dân tộc tham gia lễ hội chung thể hiện sự đoàn kết, gắn bó cũng như sự tiếp biến, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em.

Trong dịp lễ hội Kỳ Yên - đình làng Lạc Tánh năm nay niềm vui được nhân lên gấp bội khi vinh dự được đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa.

Bài viết về Bình Thuận liên quan

1 2 3 4 Tiếp

Ghi chú bài viết Đặc sắc lễ hội Kỳ Yên ở đình làng Lạc Tánh, Bình Thuận

Nếu xảy ra lỗi với bài viết Đặc sắc lễ hội Kỳ Yên ở đình làng Lạc Tánh, Bình Thuận, hoặc nội dung chưa chính xác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để chúng tôi chỉnh sửa lại.
Từ khóa:
(lehoi.org) - Ngày 30/3/2010 (tức 15/2 âm lịch), lễ hội Kỳ Yên đã chính thức khai mạc tại làng Lạc Tách, huyện Tách Linh, Bình Thuận. Lễ hội chính thức diễn...