Hàng nghìn người dân đổ về Bình Dương tham gia Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu năm 2010

(lehoi.info) - Đã thành thông lệ, cứ đến những ngày rằm tháng Giêng hàng năm là nhân dân các tỉnh, thành khắp nơi lại kéo nhau về chùa Bà để cầu an, xin lộc. Càng gần đến ngày lễ hội, không khí ở chùa Bà càng trở nên đông vui, nhộn nhịp.

Chưa năm nào người dân từ các tỉnh miền đông như: thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước,... và các tỉnh lân cận đổ về thị xã Thủ Dầu Một lại đông như năm nay. Giống như tất cả lễ hội khác ở Việt Nam, lễ hội Bà Thiên Hầu cũng gồm có hai phần là Phần lễ và Phần hội.

Chùa Bà Thiên Hậu
Chùa Bà Thiên Hậu

Màn rước kiệu Bà hoành tráng trong phần lễ thu hút được đông đảo người dân tham gia nhất. Đoàn rước Kiệu Bà đi ngang qua Chợ Thủ Dầu Một để các gian hàng cúng bái, thế nên các chủ sạp hàng tại đây ai cũng chuẩn bị sẵn một mâm lễ cúng để trước sạp mong Bà sẽ phù hộ cho họ buôn may bán chạy.

Lễ rước kiệu
Lễ rước kiệu

Đi sau kiệu Bà là các đoàn múa Lân - Sư - Rồng đến từ khắp các tỉnh thành phía Nam. Đi sau đoàn múa là xe hoa chở các tiên đồng ngọc nữ (các cô gái đóng vai này đều được tuyển chọn rất kỹ từ trước). Cuối cùng là đoàn xe chở các bé rải kim tuyến. Vì được làm lễ ở Chùa Bà nên tất cả những người này được xem như là người nhà trời. Những gì họ thả xuống đều là lộc trời ban tặng nên người dân ai cũng muốn được kim tuyến bám lên người và quần áo.

Đông đảo người dân và du khách tới tham dự lễ hội
Đông đảo người dân và du khách tới tham dự lễ hội

Điều đặc biệt trong lễ hội Chùa Bà là toàn bộ những người tham dự có mặt trong diễu hành từ tiên đồng ngọc nữ đến các vị phật, gánh cờ, gánh hoa, bảo vệ đều là người Việt gốc Hoa.

Theo truyền thuyết, vào đời Kiến Long nguyên niên (960),Tống Thái Tổ, tại huyện Bố Điền, phủ Hưng Hoá, tỉnh Phước Kiến, có người con gái thứ 6 của Lâm Nguyên, khi mới lọt lòng mẹ đã tỏa hương thơm, hào quang. Khi lớn, nàng có thể cưỡi mây, cưỡi chiếu, hay sóng biển du ngoạn khắp nơi. Đến năm Tống Thái Tôn thứ 4 (987),  ở tuổi 27 cô gái ấy đã giã từ cõi trần. Truyền thuyết dân gian kể rằng bà thường hiển linh, mặc đồ đen bay lượn trên biển. Vào đời nhà Nguyên, bà được phong là Thiên Phi, đến đời Thanh, vua Khang đã sắc phong bà là Thiên Hậu.

Phần hội tổ chức nhiều trò chơi dân gian đặc sắc, hoà cùng với các trò chơi mang nét riêng của người Việt gốc Hoa nơi đây, tất cả đều thu hút sự nhiệt tình hưởng ứng của du khách.

Công tác chuẩn bị lễ hội năm nay của Ban tổ chức khá tốt. Những ngả đường dẫn vào chùa khung cảnh rất sạch sẽ, thông thoáng, không có ăn xin diễn ra tràn lan, không còn cảnh chèo kéo, chen lấn, chèn ép du khách mua tài lộc trong lễ hội. Lực lượng hướng dẫn và bảo vệ du khách một cách tận tình, chu đáo được bố trí sẵn bên trong khuôn viên chùa.

Chùa Bà Thiên Hậu trải qua nhiều năm tháng vẫn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và tâm linh, không chỉ của người Hoa Quảng Đông, mà cả người Phúc Kiến, Triều Châu, người Hẹ. Nhiều người Việt cũng thường đến cúng bái ở chùa ngày tết hàng năm, tham gia các lễ hội với lòng thành kính chân tình. Điều đó nói lên sự gần gũi về mặt tín ngưỡng, đồng thời cũng phản ánh tinh thần đoàn kết cộng đồng giữa Việt và Hoa đã được hình thành trong quá trình khai phá vùng đất mới./.

Bài viết về Bình Dương liên quan

Ghi chú bài viết Hàng nghìn người dân đổ về Bình Dương tham gia Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu năm 2010

Nếu xảy ra lỗi với bài viết Hàng nghìn người dân đổ về Bình Dương tham gia Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu năm 2010, hoặc nội dung chưa chính xác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để chúng tôi chỉnh sửa lại.
Từ khóa:
(lehoi.org) - Đã thành thông lệ , cứ đến những ngày rằm tháng Giêng hàng năm là nhân dân các tỉnh, thành khắp nơi lại kéo nhau về chùa Bà để cầu an,...