- Về đầu bài viết
- Ảnh: le-an-com-moi-cua-nguoi-xa-pho-57612.jpg
- Ảnh: Ảnh Già - ì - Xì - Mờ – Ra – Né (Lễ ăn mừng cơm mới của tộc người Xá Phó) tại Yên Bái
- Ảnh: Ảnh Già - ì - Xì - Mờ – Ra – Né (Lễ ăn mừng cơm mới của tộc người Xá Phó) tại Yên Bái 1
- Bài viết liên quan
- Ghi chú bài Già - ì - Xì - Mờ – Ra – Né (Lễ ăn mừng cơm mới của tộc người Xá Phó) tại Yên Bái
- Xem lễ hội theo ngày tháng
Già - ì - Xì - Mờ – Ra – Né (Lễ ăn mừng cơm mới của tộc người Xá Phó) tại Yên Bái
Người Xá Phó (Phù Lá) sống ở tỉnh Yên Bái cư trú chủ yếu ở huyện Văn Yên, một số rất ít sinh sống tại các huyện Văn Chấn và Yên Bình với tập quán là canh tác lúa nương truyền thống và kỹ thuật thủ công phát nương trọc lỗ, tra hạt. Hàng năm vào 15/8- 15/9 ( Âm lịch), vào khi những bông lúa mới trên nương đang uốn cong mình thì cũng là lúc đồng bào dân tộc Xá Phó chuẩn bị cho mùa thu hoạch mới và tổ chức lễ ăn mừng cơm mới (Già - ì - xì - mờ - ra - né) để vừa cám ơn tổ tiên vừa cám ơn trời đất vì đã ban cho mưa thuận gió hoà, đạt được một mùa mới bội thu.
Địa điểm tổ chức lễ Già - ì - xì - mờ - ra - né tại mỗi gia đình, tuỳ mỗi gia đình dòng họ mà đồng bào sẽ lựa chọn những ngày tổ chức, phụ thuộc vào những kiêng kị cụ thể của từng nhà, từng gia đình, dòng họ. Tuy nhiên, đồng bào kiêng tổ chức vào các ngày con Dê, con Khỉ hay những ngày sinh của bố mẹ chủ gia đình nơi tổ chức mừng cơm mới.
Người Xá Phó ở đây ăn mừng cơm mới trong 3 ngày: ngày đầu tiên là ngày chuẩn bị gạo mới, ngày tiếp theo là cúng tạ ông bà tổ tiên, trời đất (đây chính là ngày tổ chức lễ chính thức) và ngày cuối cùng là tổng kết lễ ăn mừng cơm mới.
Vào ngày đầu tiên, gia chủ sẽ cử một người vào nương gặt lúa vào sáng sớm tinh mơ. Người đi gặt lúa bao giờ cũng phải là người vợ chủ nhà, người luôn chăm lo các công việc “nội trợ” cho gia đình. Vào thời điểm gặt lúa, người được cử đi gặt phải phải luôn giữ cho tâm thanh tịnh, mặc bộ quần áo mới, khăn mũ mới để đi đón “hồn lúa” (theo quan niệm của người dân).
Trong lúc đi đón hồn lúa mới trở về gia đình, người vợ sẽ phải kiêng không được nói chuyện, chào hỏi mọi người trong toàn quãng đường từ nhà tới nương lúa và đi thật nhanh không dừng lại từ nhà mà tới thẳng nương lúa.
Để có thể gặt lúa mới, cần mang theo dụng cụ bao gồm dao (mi the), gùi đựng lúa (á tre) và hái lúa (le dị). Khi tới nương lúa, người được cử đi gặt thường sẽ chặt cây làm ám hiệu để thông báo cho những người đi nương khác biết và không được vào nương trong thời gian thực hiện các nghi thức đón hồn lúa mới theo phong tục tập quán truyền thống.
Khi gặt lúa, người đi gặt phải quay mặt về hướng Đông là hướng mặt trời mọc. Chiểu theo quan niệm dân gian, giữ được hồn lúa, đón được hồn lúa về nhà để tổ chức lễ mừng cơm mới để cám ơn trời đất và cầu nguyện cho vụ mùa tới tươi tốt thì không nên để hồn lúa gặp những người ngoài vì khiến hồn lúa sợ mà đi mất hoặc không về được nhà. Hồn lúa mà không về nhà sẽ làm cho vụ mùa năm tới không còn may mắn, không tốt tươi. Cũng với quan niệm đó mà ngay cả khi gặt lúa, người vợ chủ nhà phải gặt thật nhanh chóng những bông lúa đầu tiên. Ở ba cum lúa đầu (cum - đơn vị chỉ một bó lúa của người Xá Phó) phải gặt lúa mới thật nhanh để giữ hồn lúa và các cum lúa sau có thể gặt bình thường lại và sau đó gặt thêm 6 cum lúa khác để chuẩn bị gạo tổ chức lễ mừng cơm mới. Tổng số 9 cum lúa sẽ được gặt trong ngày đầu tiên, 8 cum sẽ được mang về nhà làm lễ cúng Già - ì - xì - mờ - ra - né, một cum được để lại nương, đặt vào một vị trí cao và trang trọng nhất trong nương. Theo quan niệm dân gian đây là cum lúa giống, đồng thời cũng là cum lúa để thông báo cho thổ công thổ địa biết việc tiến hành nghi thức cúng mừng cơm mới của gia đình để thổ công thổ địa gìn giữ và phù hộ cho lúa.
Sau nghi thức gặt lúa này, từ các ngày sau đó mọi người trong gia đình có thể lên gặt lúa mới bất kỳ lúc nào. Trường hợp gia đình chưa làm được lễ cúng cơm mới thì tuyệt nhiên trong gia đình không ai được vào nương, không ai được hái lúa.
Lúa mới được mang về nhà, cho lên gác bếp sấy khô rồi đem giã lấy gạo. Gạo làm cơm mới không được giã quá kỹ để giữ lấy hương vị thơm ngon, tinh khiết của lúa mới. Gạo sau khi giã xong được cho vào một ống nứa mới, dựng gần bếp lửa nơi sẽ diễn ra các nghi thức của lễ mừng cơm mới. Trấu và cám của gạo mới cũng không được vứt đi. Tất cả được để riêng và dùng cho phục vụ gia súc, gia cầm sau khi nghi thức cúng cơm mới cho tổ tiên đã kết thúc. Khi gặt lúa, cả hai loại gạo nếp và tẻ được gặt về và trong lễ Già - ì - xì - mờ - ra - né hai loại cơm đó đều được xôi cúng trời đất và tổ tiên.
Sang ngày thứ hai, ngày chính thức của lễ Già - ì - xì - mờ - ra - né, vào buổi sáng gia đình sẽ chuẩn bị đồ lễ, lễ vật dâng cúng như gạo để thổi xôi, mổ lợn, gà... Vào sáng sớm, người chồng phải vào rừng hái lá chuối rừng, lấy một bi chuối (hoa chuối rừng) bóc lấy phần non, kiếm thêm một chút cát vàng ven suối, hái một chùm quả cà dại (loại cà dại quả xanh nhỏ bằng đầu ngón tay). Mỗi thứ lấy một ít và chỉ được lấy một lần. Các đồ vật do người chồng vào rừng lấy sẽ đem đi rửa sạch, rồi gói riêng theo từng loại vào lá chuối rừng đặt xuống đáy chõ xôi cùng cơm mới. Theo quan niệm của đồng bào, hoa chuối tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, do đó trong nghi thức cúng cơm mới luôn có hoa chuối cùng với mong muốn lúa luôn tươi tốt phát triển, lúa sẽ phát triển nhanh, mạnh, nhiều như chuối rừng, nhiều như cát và cà xanh (nhiều hạt).
Lễ cúng và ăn mừng cơm mới thường được diễn ra vào buổi chiều tối, khoảng từ 7h đến 8h tối. Ngày hôm đó, gia đình chuẩn bị tất cả công việc cho lễ cúng theo cách tổ chức lễ Già - ì - xì - mờ - ra - né truyền thống. Mọi công việc từ chuẩn bị cho đến việc tiến hành các nghi thức đều phải diễn ra âm thầm, tránh tổ chức ấm ĩ, phô trương. Khách đến dự lễ thường là anh em người thân trong gia đình, dòng họ, họ có thể mời nhau tới cùng dự lễ cúng từ trước đó nhưng cũng có thể tới gần giờ tổ chức nghi lễ mới cho con cháu sang mời để tránh được sự ồn ào, náo nhiệt.
Gạo tẻ và gạo nếp được ngâm từ khoảng 2 giờ đến 3 giờ chiều, tới 5h chiều dưới sự hướng dẫn của bà chủ gia đình sẽ tiến hành xôi cơm mới với hoa chuối rừng, cát vàng và quả cà dại. Gạo tẻ sẽ được xôi chín cho ra một chiếc mẹt, tiếp đó chiếc chõ tiếp tục được sử dụng ngay để xôi cơm nếp dâng cúng tổ tiên trời đất. Cơm sau khi xôi chín sẽ được cất kỹ do bà chủ nhà phụ trách để tránh trẻ em ăn cơm mới trước khi cúng tổ tiên.
Chủ nhà phải chuẩn bị hai mâm cúng, cúng mừng cơm mới. Một mâm cúng tổ tiên được đặt trong nhà dưới “cửa ma” gọi là A - nẹ - na - be dùng khi cúng cám ơn tổ tiên (cửa ma là tên gọi nơi thờ tổ tiên của đồng bào Xá Phó, một miếng liếp giống như một chiếc cửa sổ nhỏ ngay vách chính giữa ngôi nhà truyền thống của đồng bào, trên đó có cắm hai chiếc lông gà).
Mâm cúng được đan bằng nứa hình mắt cáo, trên đó được lót một phần đuôi của tàu lá chuối rừng (một phần tư tàu lá chuối, phần ngọn lá được quay về phía cửa ma, cuống lá chuối được xếp thẳng với bếp lửa, như vậy tàu lá được xem như dụng cụ thông quan giữa thần linh với con người trong lễ cơm mới qua hình tượng bếp lửa). Trên mâm cúng được đặt sáu chén (làm bằng ống nứa) xếp hình cung theo chiều của mâm. Hai bên mâm đặt mỗi bên ba chiếc bát (làm bằng ống nứa to) và ba đôi đũa. Trên mâm còn được bài trí một chút cơm tẻ và một chút cơm nếp mới được xôi. Hai bên mâm để một đĩa thịt gà luộc đặt bên phải và một đĩa thịt lợn luộc đặt bên trái. Hai ống nứa đựng rượu đặt hai bên cửa ma. Cát, cà xanh và hoa chuối xôi cùng cơm mới cúng được người dân bài trí lên mâm cúng cho tổ tiên cùng với những ước mong nguyện vọng của họ về một năm mới với những vụ mùa tươi tốt.Thêm một chút muối cùng với gừng giã, hai cuộn chỉ một trắng và một đen là hoàn thiện một mâm cúng đầy đủ để dâng cúng tổ tiên trong lễ Già - ì - xì - mờ - ra - né.
Phía trên vách nhà, hai bên được bài trí quần áo và những đồ trang sức của phụ nữ Xá Phó được bày trong suốt thời gian gia đình tổ chức lễ Già - ì - xì - mờ - ra - né.
Một mâm cúng trời đất, thiên nhiên được gia đình sắp đặt bên ngoài Thích (sàn ngoài trời nơi đây cầu thang nhà người Xá Phó), mâm cúng có tên là Mu - thiu - a - né - pư - bá. Các lễ vật trên mâm Mu thiu a né pư bá bao gồm có 6 cái bát, 6 đôi đũa và 6 chén uống rượu bằng tre, một nải chuối được đặt chính giữa, một miếng thịt lợn sống và một đĩa muối trắng. Hai bên mâm cúng có hai cây mía còn lá được đặt chạm tới đất, phần lá bên trên được uốn cong vào giữa mâm cúng. Hai thân mía đồng bào buộc hai ống đựng rượu, ở chính giữa phía sau mâm cúng là một cây chuối rừng được chặt hết phần lá còn để lại duy nhất một mầm non ở giữa. Đồng bào Xá Phó ở Yên Bái kiêng mang cây xanh vào trong nhà ở của họ vì vậy mâm cúng thiên nhiên với các lễ vật là cỏ cây hoa lá được đồng bào đặt tại Thích và tiến hành các nghi thức cúng bái tại đó.
Sau khi đã chuẩn bị xong hai mâm cúng, gia chủ cho mời thầy cúng đến thay mặt gia đình tiến hành nghi thức cúng mừng cơm mới, cám ơn tổ tiên trời đất và mời tổ tiên về tham dự lễ cúng và cùng chung vui với gia đình, sau đó cúng cầu xin tổ tiên và thần thánh phù hộ cho vụ mùa năm sau. Mỗi một mâm cúng thầy cúng tiến hành trong khoảng 30 phút với ý tứ : “Hôm nay gia chủ có con gà, có bát cơm mới là lễ cúng mừng cho lúa mới đã về nhà…hồn lúa đã ở lại đây…xin mời tổ tiên…thần thánh về dự và hưởng cơm mới cùng con cháu, con cháu đã làm lễ này để cảm ơn các ma…” Nghi thức cúng ngoài trời cũng được thực hiện bởi thầy cúng với nội dung cúng tương tự. Tuy nhiên đối tượng cầu xin ở đây được xem là chính bởi trời đất và thiên nhiên mới ban cho con người mưa thuận gió hoà để mùa màng tốt tươi.
Kết thúc các nghi thức cúng mừng cơm mới của thầy cúng là các nghi thức ăn mừng của gia đình do bà vợ chủ nhà thực hiện. Mâm cơm chính của lễ Già - ì - xì - mờ - ra - né được gia đình chuẩn bị từ trước mang lên đặt dưới cửa ma. Thầy cúng và những người cao tuổi sẽ được mời vào mâm này. Vợ chủ nhà cũng ngồi vào mâm chính của lễ mừng cơm mới và bắt đầu thực hiện các nghi thức. Trang phục của bà vợ phải là trang phục mới được mặc từ hôm trước đi gặt lúa (trong suốt thời gian 3 ngày của lễ cơm mới là thời gian kiêng, người vợ phải mặc nguyên một bộ áo váy mới và không được thay ra cho tới khi kết thúc 3 ngày kiêng kị).
Bà vợ lấy một chiếc bát xới một bát cơm nửa tẻ, nửa nếp úp lên trên đó một miếng lá chuối mang xuống để dưới sàn của chạn đựng bát. Theo người dân, đây là một nghi thức mà người dân tin rằng sẽ đoán biết được vụ mùa năm sau. Sáng hôm sau ở bát cơm này ra, nếu thấy bát cơm ngót đi họ cho rằng sẽ phải đón chờ một vụ mùa không thuận lợi. Nếu bát cơm còn nguyên không vơi đi thì người dân vui mừng vì sẽ đón chờ một vụ mùa may mắn.
Tiếp theo, người vợ lại xới một bát cơm nửa nếp, nửa tẻ, chan vào đó một chút nước “lần” (nước khe suối) dùng tay trộn đều hai loại cơm rồi dùng tay quãi cơm về phía mọi người, phía con cháu và khách tới dự lễ Già - ì - xì - mờ - ra – né. Mọi người có mặt trong lễ cúng sẽ dùng vạt áo để hứng những hạt cơm “lộc” do bà chủ nhà quãi, sau đó dùng một miếng lá chuối nhỏ đã chuẩn bị từ trước gói những hạt cơm đã hứng được mang về nhà đặt dưới bồ thóc của mình với niềm hy vọng những may mắn của một vụ mùa tới của gia chủ cũng sẽ đến với mọi gia đình.
Bát cơm thứ ba của nghi thức này cũng được bà chủ nhà lấy hai loại cơm trộn đều với nước lần và đưa cho mọi người để cúng thưởng thức cơm mới và đánh giá chất lượng của gạo mới năm nay. Thầy cúng là người được thưởng thức đầu tiên và thông thường họ sẽ khen cơm ngon, dẻo hơn mọi năm. Tiếp đó là lần lượt từng người trong buổi lễ từ vai vế cao trở xuống sẽ cùng nhau thực hiện nghi thức này. Mọi người đều dùng tay để bốc và ăn thử cho tới khi hết bát cơm.
Sau đó chủ nhà cho dọn những mâm cỗ đầy, với các loại rượu ngon của gia đình thiết đãi mọi người để mừng cho vụ mùa mới, mừng cho cơm mới của gia đình.
Ngày thứ 3 là ngày tổng kết lễ Già - ì - xì - mờ - ra – né. Trấu, cám và những sản phẩm thừa từ việc chiết xuất gạo mới sẽ được cho gia súc gia cầm ăn. Người dân quan niệm rằng con người được ăn cơm mới thì trong ngày đó súc vật, gia cầm cúng được hưởng và họ sẽ cho vào ngày tổng kết lê Già - ì - xì - mờ - ra - né.
Lễ mừng cơm mới là một nghi lễ đầy ý nghĩa và khá độc đáo của người Xá Phó. Nghi lễ thể hiện nhiều giá trị thẩm mỹ cao đẹp, giáo dục con người phải biết tôn trọng thiên nhiên. Ngày nay, người Xá Phó ở đây vẫn thường xuyên tổ chức lễ ăn mừng cơm mới, duy trì truyền thống văn hoá tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên việc tổ chức lễ Già - ì - xì - mờ - ra - né đã đơn giản hơn cả về thời gian và quy mô tổ chức./.
Bài viết về Yên Bái liên quan
- Lễ hội "Cầu cơm mới" ở đền Đông Cuông, Yên Bái
Đền Đông Cuông ở xã Đông Cuông (Văn Yên) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào năm 2009 . Ngoài tuần rằm, mùng một, tứ thời, bát tiết...
- Lễ Lập tịch của người Dao ở Yên Bái
Lễ Lập tịch của người Dao ở Yên Bái là một lễ hội mang tính chất tâm linh, là một nghi lễ truyền thống, bắt buộc những người đàn ông của dân tộc Dao đều phải thực hiện. Đàn ông người Dao nếu khi còn sống...
- Lễ hội Hoa Ban - Mường Lò tại Yên Bái
Vùng Mường Lò Yên Bái là nơi tập trung đông đảo đồng bào dân tộc Thái sinh sống và là nơi có nhiều phong tục, lễ hội, các tục cúng giỗ vô cùng đặc sắc. Bên cạnh các lễ hội như: Rằm tháng Giêng, Xên bản...
- Yên Bái : Đồng bào Mông rộn ràng Lễ hội vùng cao
Lễ cơm mới của đồng bào Mông cúng tế cảm ơn trời đất cho mưa thuận gió hòa, tránh dịch bệnh, vụ mùa bội thu, cuộc sống no đủ... Hội thi đấu bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, đua ngựa....
-
- Lần đầu tổ chức Lễ hội sông Hồng tại Yên Bái
(lehoi.org)- Hưởng ứng Chương trình Du lịch về cội nguồn hợp tác giữa ba tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai năm 2012, tỉnh Yên Bái đang khẩn chương chuẩn bị tổ chức Lễ hội sông...
- Lễ hội cầu cơm mới Đền Đông Cuông, Yên Bái 2012
(lehoi.org) - Theo kế hoạch, lễ hội Cầu Cơm Mới đền Đông Cuông năm nay được tổ chức vào hai ngày 20 và 21/10/2012 (tức mùng 6 - 7/9 âm lịch). Điểm nhấn của lễ hội năm nay là Hội...
- Người Dao đỏ làm lễ Cấp sắc tại Yên Bái
Cấp sắc là một trong những nghi lễ quan trọng không thể thiếu của người Dao đỏ để công nhận sự trưởng thành của một người đàn ông hay một người phụ nữ. Cùng với nhiều người dân tại tỉnh Yên Bái chào...
- Chính thức khai mạc Lễ hội du lịch về nguồn 2011 của ba tỉnh Yên Bái – Phú Thọ - Lào Cai
(lehoi.org) - Ngày 26/2, tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, Chương trình văn hóa văn nghệ với chủ đề “Mường Lò mở hội” đã mở đầu cho các hoạt động trong &ldquo...
- Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà tại Yên Bái
Đã thành thông lệ, cứ đến ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch hàng năm, thì đông đảo bà con nhân dân trong vùng cùng du khách thập phương lại nô nức về dự lễ hội Đền Mẫu Thác Bà của thị trấn Thác Bà...
-
- Lễ hội Xên Mường của đồng bào Thái Mường Lò tại Yên Bái
Lễ hội Xên Mường (cúng Mường) là một trong những lễ hội lớn trong năm của người dân tộc Thái nhằm tưởng nhớ đến những vị thần linh đã khai sáng ra mường, (cách gọi tên vùng đất nơi mà người Thái đang...
- Lễ hội đền Nhược Sơn tại Yên Bái
(lehoi.org)- Lễ hội đền Nhược Sơn là lễ hội được diễn ra vào ngày 20 tháng 9 âm lịch hàng năm, tại xã Châu Quế Hạ. Đông đảo bà con trong xã và du khách thập phương đến dâng hương tại đền Nhược Sơn để...
- Lễ hội đình Làng Dọc tại Yên Bái
(lehoi.org)- Lễ hội đình làng Dọc là một lễ hội dân gian mang đậm sắc thái của người Tày và người Kinh cổ. Đặc biệt, lễ hội thường được tổ chức 2 kỳ trong một năm, vào ngày mồng 3 và ngày mồng 4 tháng...
- Hội Đền Tuần Quán tại Yên Bái
(lehoi.org) - Đền Tuần Quán là đền thuộc phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái. Ngoài ra đền còn có tên gọi khác là Đền thần Diệp phu nhân Bách Lẫm. Đền Tuần Quán có từ thời Lê Trung Hưng, đầu thế kỷ XV...
- Nhộn nhịp lễ hội cầu mùa xã Kiên Thành - Yên Bái 2010
(lehoi.org) - Ngày 28/2 (tức rằm tháng Giêng năm Canh Dần), tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên đã tổ chức lễ hội cầu mùa năm 2010. Đây là lần thứ 2 lễ hội được khôi phục sau hơn...
- Tưng bừng Lễ hội Đền Đại Cại năm 2010 tại Yên Bái
(lehoi.org) - Ngày 1/3 (tức 16 tháng Giêng), Lễ khai hội Đền Đại Cại xuân Canh Dần 2010 đã tổ chức tại xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên (Yên Bái) nhằm thu hút du khách đến chiêm ngưỡng và...
- Lịch tổ chức lễ hội trong năm 2011 tại tỉnh Yên Bái
(lehoi.org) - Không chỉ hấp dẫn du khách bởi những thắng cảnh đẹp, những món đặc sản như thắng cố hay món lợn bản cắp nách, bí quyết tắm lá thuốc của người Dao đỏ, những loại rượu quý dân tộc...
Ghi chú bài viết Già - ì - Xì - Mờ – Ra – Né (Lễ ăn mừng cơm mới của tộc người Xá Phó) tại Yên Bái
Từ khóa:
Người Xá Phó (Phù Lá) sống ở tỉnh Yên Bái cư trú chủ yếu ở huyện Văn Yên, một số rất ít sinh sống tại các huyện Văn Chấn và Yên Bình với tập quán là canh...