Lễ hội miền núi và yếu tố thương mại

Trong cuộc sống hiện đại, song song với việc phát triển lễ hội với nhiều hình thức đa dạng thì cũng phát sinh những hiện tượng tiêu cực. Vì vậy, việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống là vấn đề cấp thiết và có ý nghĩa lâu dài. Đồng thời,  trên nền lễ hội truyền thống cần khuyến khích sáng tạo mới, gắn với nhịp sống văn hóa của thời đại; từ hiện đại làm vững bền hơn truyền thống, làm cho lễ hội có thêm sức sống mới, phù hợp hơn với nhu cầu ngày càng cao của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Lễ hội miền núi - nơi người dân hưởng thụ và sáng tạo văn hóa ảnh 2

Lễ hội miền núi và yếu tố thương mại

Lễ hội nói chung và lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số nói riêng là hình thức sinh hoạt văn hóa đặc biệ mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam và mang tính cộng đồng. Theo thống kê của Vụ Văn hoá dân tộc, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cả nước hiện có khoảng 7.966 lễ hội, trong đó có trên 7.000 lễ hội dân gian, phần lớn là do cấp xã quản lý. Lễ hội dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số đều gắn với tín ngưỡng, tâm linh, chu trình canh tác, nghi lễ vòng đời... với nhiều nghi thức, lễ thức, trò diễn độc đáo, đặc sắc. Đây còn là “bảo tàng sống” chứa đựng các giá trị văn hoá, lịch sử phong phú của từng dân tộc, tạo nên bản sắc độc đáo riêng của nền văn hoá Việt Nam.

Ở đô thị, người dân có nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, đặc biệt là kênh thông tin truyền thông, các địa điểm sinh hoạt vui chơi như nhà văn hóa, rạp chiếu phim, công viên vui chơi… Nhưng ở nông thôn miền núi, các hoạt động văn hóa chủ yếu của người dân là sinh hoạt văn hóa dân gian, đặc biệt, lễ hội là hoạt động hấp dẫn nhất, thu hút được cả cộng đồng tham gia.

Trong xu thế hội nhập, hợp tác và giao lưu cùng phát triển giữa các quốc gia, dân tộc ngày càng trở lên mạnh mẽ, sâu rộng như hiện nay, môi trường tồn tại của lễ hội ngày càng có nhiều thay đổi. Hệ thống tín ngưỡng, tâm linh và các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc đang có những biến động. Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Hoàng Đức Hậu nhận định rằng, so với lễ hội dân gian của dân tộc Kinh thì lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số ít bị yếu tố thương mại thâm nhập. Hầu hết các lễ hội của đồng bào các dân tộc vẫn giữ được những nét truyền thống đặc sắc riêng. Điều đó đã tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn đối với người tham dự, nhất là đối với du khách nước ngoài. Tuy vậy, ít nhiều cũng xuất hiện các hiện tượng ăn theo lễ hội, các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa xô bồ, lộn xộn…. Trong xu hướng hội nhập quốc tế, sự chi phối của yếu tố thương mại, yếu tố lợi nhuận trong tổ chức lễ hội đang và sẽ là “con sóng ngầm” đe dọa tới việc bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc các lễ hội các dân tộc thiểu số. Lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số tất nhiên không thể tránh khỏi vấn đề thương mại hóa nhưng vấn đề là thương mại hóa như thế nào? Bởi chính lễ hội cũng là nơi giao lưu mua bán của những sản phẩm văn hoá tinh thần…


Phát triển kinh tế xã hội và việc bảo tồn, phát huy giá trị tinh thần

Lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đang đứng trước rất nhiều câu hỏi trong công việc bảo tồn. Làm sao để bảo tồn, giữ gìn và phát huy được các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số nhưng vẫn phải phù hợp với xu thế phát triển của xã hội? Làm sao thông qua lễ hội có thể góp phần giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ biết trân trọng quá khứ, tri ân các bậc tiền nhân? Làm thế nào để lễ hội không chỉ đơn thuần là phục vụ cuộc sống của con người mà còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút khách thập phương trong và ngoài nước ?…

Theo Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Hoàng Đức Hậu, để lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát triển, cần phải giúp họ phát triển KT- XH, nâng cao điều kiện sống. Ngoài khai thác các yếu tố văn hoá phải kết hợp với giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các đặc sản ẩm thực...

Lễ hội miền núi - nơi người dân hưởng thụ và sáng tạo văn hóa ảnh 3

Nhưng vấn đề chính ở đây là vai trò quản lý định hướng của địa phương và cộng đồng. Họ hiểu biết được giá trị lễ hội truyền thống của họ và những nguy cơ khi giá trị lễ hội truyền thống bị mất đi hay biến tướng. Họ sẽ phải biết cái gì cần, cái gì không cần và phải góp sức thế nào để bảo vệ các giá trị truyền thống của lễ hội.

Trong xu thế hội nhập và phát triển như hiện nay, sự thâm nhập của các yếu tố văn hóa hiện đại vào các lễ hội dân gian dân tộc thiểu số là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, chúng ta cần có kế hoạch xây dựng chương trình (kịch bản) mang tính khoa học, bảo đảm các yếu tố văn hoá. Phần lễ không nên sáng tạo thiếu cơ sở khoa học và can thiệp một cách thô bạo vì phần lễ vốn được coi là rất quan trọng trong các lễ hội. Nếu có thay đổi cần phải được xem xét thận trọng và kỹ lưỡng.

Việc bảo tồn lễ hội cần đi từ con đường nhận thức, trong đó không chỉ nhận thức của người dân mà còn cả nhận thức của các nhà quản lý. Bởi cuộc sống luôn phát triển không ngừng, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số không có nghĩa là máy móc phục dựng lại nguyên bản những gì mà lễ hội truyền thống của đồng bào diễn ra cách đây nhiều năm. Ngày nay, văn hóa, thị hiếu, nhu cầu về tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số đã có ít nhiều thay đổi. Vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc phải được nhận thức trong sự phát triển chứ không ngưng đọng./.

Bài viết về Đăk Nông liên quan

Ghi chú bài viết Lễ hội miền núi và yếu tố thương mại

Nếu xảy ra lỗi với bài viết Lễ hội miền núi và yếu tố thương mại, hoặc nội dung chưa chính xác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để chúng tôi chỉnh sửa lại.
Từ khóa:
Trong cuộc sống hiện đại, lễ hội phát triển với nhiều hình thức đa dạng, song cũng phát sinh những hiện tượng tiêu cực. Vì vậy, việc bảo tồn, giữ gìn, phát...