Hội chùa Ông Bổn tại TP Hồ Chí Minh

(lehoi.info) - Chùa Ông Bổn hay còn được gọi là (Nhị phủ miếu), Chùa tọa lạc tại đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5 (Thành phố Hồ Chí Minh), hàng năm có rất nhiều lễ hội lớn. Đặc biệt ngày lễ chính của chùa đó là rằm tháng Giêng và ngày rằm tháng Tám theo âm lịch.
Chùa Ông Bổn còn có tên gọi khác là Nhị Miếu Phủ
Chùa Ông Bổn còn có tên gọi khác là Nhị Miếu Phủ

Lễ vật để cúng ông Bổn thường là heo sống, heo quay, gà luộc, hoa trái và nhang đèn v.v... Những ngươi Hoa phần lớn là những người gốc Phúc Kiến đem lễ vật đến chùa cúng rất đông. Bà con người dân tộc Hoa thường mua những vòng hương thắp cúng treo khắp vòm trần chùa tỏa khói thơm nghi ngút suốt nhiều tháng.

Ngoài 2 ngày lễ chính, chùa Ông Bổn cũng có một số bà con người dân tộ Hoa đến cúng chùa vào dịp Tết Nguyên đán, tết Nguyên Tiêu, ngày Rằm tháng Chạp... Những người Hoa ở thành phố tới lễ chùa và tới dự hội rất đông vui. Thường là vào dịp tết Nguyên Đán, các đội múa Rồng sẽ đến để tổ chức biểu diễn múa ngay tại sân chùa đã thu hút hàng ngàn người tới xem. Các đội võ thuật, đội thể dục thể thao, cũng thường tổ chức các cuộc thi đấu ngay tại sân chùa.

Vào ngày Rằm tháng Giêng một số bà con người Hoa sẽ đến lễ chùa và xin vay mượn tiền của các vị thần thánh ở trong chùa như Ông Bổn và Quan Công để làm ăn buôn bán. Sự vay mượn này sẽ có tính chất tượng trưng, nhưng đến cuối năm vào ngày Rằm tháng Chạp, bà con sẽ đến chùa trả lễ đầy đủ cả vốn lẫn lời bằng số tiền mặt được bỏ vào các thùng phước sương. Vào dịp này số người đến với chùa Ông Bổn, cũng như nhiều chùa khác xin xăm, xin bói toán khá nhộn nhịp.

Chánh điện của Chùa Ông Bổn
Chánh điện của Chùa Ông Bổn

Theo như tài liệu của Lý Văn Hùng trong Gia Định tràng Phật Tích cổ thì ông Bổn chính là Châu Đạt Quan, là một viên quan của triều đình Trung Hoa ở đời nhà Nguyên, vào thế kỷ thứ XIII. Ông tham gia vào các sứ bộ Trung Hoa đã đến nhiều nước ở Đông Nam Á, trong đó có vùng đất nam nước Việt Nam và Chân Lạp. Ông là một nhà viết sử và nhà du ký... nổi tiếng trong lịch sử thời Trung Hoa cổ đại. Từ miền Chân Lạp trở về, ông đã viết quyển Chân Lạp phong thổ ký (ghi chép về phong tục, đất đai và con người) mô tả vùng đất cực nam Đông Dương vào thế kỷ XIII...

Chùa Ông Bổn - Nhị phủ miếu có kiến trúc tổng thể theo hình chữ khẩu, gồm có bốn dãy nhà dài và vuông góc nhau, khoảng trống ở giữa đã tạo nên sân thiên tỉnh. Nhìn từ bên ngoài vào chùa Ông Bổn nổi bật ở giữa phố phường với những nếp mái cong như chồng lên nhau. Những nếp mái cong của chùa Ông Bổn khá độc đáo so với nhiều ngôi chùa khác ở thành phố Hồ Chí Minh cũng như trong cả nước. Phần chính điện chùa Ông Bổn có bày một bàn thờ Ngọc Hoàng thượng đế cùng với một lư hương bằng đồng khá lớn. Bên trên Ngọc Hoàng có hai tấm hoàng phi đại tự "Phúc toàn đức bị" và "Thích cấp lâm phong". Những hiện vật này đã được ghi rõ là làm trong năm Quang Tự thứ 27 tức năm 1901.

Đi qua sân thiên tỉnh, ở nơi đó có dãy bàn bằng xi măng làm chỗ biện bày các lễ vật để cúng thần, sẽ bắt gặp một hoàng phi đại tự "Thân Lâm phước địa", nét chữ bay bướm phong nhã. Bên dưới hoàng phi có một bàn để bày lễ cúng và cũng là bàn thờ "Nhị Phủ miếu phúc đức chính thần".

Bàn thờ "Phúc đức chính thần" chiếm một vị trí trung tâm của gian chính điện với trang thờ nguy nga và lộng lẫy. Bao lam điện thờ được sơn son thếp vàng, chạm lộng hoa lá, rồng, phượng v.v... Điện thờ phúc đức chính thần có tượng ông Bổn làm bằng gỗ cao khoảng 1,5m, một cỗ ngũ sự làm bằng đồng, một bài vị "Nhị Phủ Đại Bá Công".

Tượng ông Bổn thể hiện một ông già có khuôn mặt quắc thước, khoan hòa với chòm râu bạc trắng buông dài, dáng ngồi thoải mái, một tay thì gác lên tay ngai, còn một tay vừa mới vuốt chòm râu. Những nếp áo tượng buông chùng trong dáng nghĩ ngợi rất suy tư. Bên dưới tượng ông Bổn có hai tượng nhỏ khác như là hai đồng tử đang đứng chờ được sai bảo.

Chùa sở hữu nhiều cổ vật
Chùa sở hữu nhiều cổ vật

Bên trái bàn thờ của ông Bổn là một gian điện thờ nhỏ hơn, thờ Quảng Trạch Tôn Vương, cùng với 106 vị khác. Bàn thờ này có hai di tượng, tượng một hài đồng yên vị trên ngai với vẻ mặt rất ngây thơ, có dáng như đang ngạc nhiên, bên dưới là tượng của một nhà sư (hoặc một đạo sĩ) mặc áo màu vàng, đầu trọc và lông mày rậm uốn cong lên. Trên trang thờ Quảng Đại Tôn Vương còn có một bức liễn nhỏ có ghi ba chữ "Phụng Sơn Tự". Bên phải bàn thờ của ông Bổn, đối xứng với bàn thờ của Quảng Trạch là bàn thờ của "Thái tuế". Trên bàn thờ là một vị đạo sĩ, tay đang lắc chuông, chung quanh là ba con hổ đang trong trạng thái gầm ghè rất hung hãn. Vị đạo sĩ vẫn rất bình tĩnh nhìn về phía trước như đang thu phục lũ dã thú. Phía trước tượng đạo sĩ là tượng của một đồng nhi ở trần đang múa gươm.

Dãy nhà giữa ở bên phải chính điện chính là nơi làm việc của Ban trị sự Nhị Phủ miếu. Dãy nhà bên trái chính là nơi đặt điện thờ Quan Công, Quan Thế Âm bồ tát và hai bàn thờ nhỏ hơn một thờ bà Chúa Sanh (Chúa Sanh nương nương) và thờ bà phu nhân Hoa Phấn (Hoa Phấn phu nhân). Những di tượng nơi các điện thờ, bàn thờ ở bên trái cũng gần giống với nhiều chùa Hoa khác thờ Quan Công, thờ Quan Thế Âm...

Bên trong chùa Ông Bổn hiện nay vẫn còn lưu lại 10 cặp liễn bằng gỗ, 10 bức hoành phi cũng làm bằng gỗ được sơn thếp chạm trổ rất khéo léo. Hầu hết các liễn, hoành này có niên đại Quang Tự đời nhà Thanh tức đã được hoàn thành vào cuối thế kỷ trước. Ngoài ra trong chùa còn có hai quả chuông, một quả bằng đồng và một quả bằng gang. Quả chuông được đúc bằng gang có ghi năm chế tạo "Quang Tự nguyên niên" (tức vào năm 1875), cùng với dòng chữ "chúng thương đồng cúng" (do những người buôn bán cúng cho chùa). Chuông này khá nặng và khá to lớn, nhà chùa không có giá để treo nên đành để dãi dầu phong sương ở dưới đất góc chùa, bên cạnh lò đốt vàng mã. Một chuông khác được đúc bằng đồng, dáng nhỏ và thanh thoát có ghi chữ "Ất Dậu trọng thu", có lẽ đã được đúc vào năm 1825.

Bà con tới trả lễ
Bà con tới trả lễ

Nhìn chung, kiến trúc và tư tưởng của chùa Ông Bổn - Nhị Phủ miếu tương đối đơn giản, nhưng vẫn tạo được không khí trang nghiêm của một cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và thể hiện một phong cách đặc sắc văn hóa của những người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh. Việc chọn ông Bổn làm vị thần thờ cúng chính của ngôi chùa này cũng là một đặc điểm đáng lưu ý của tôn giáo, tín ngưỡng của người Hoa ở đất nước Việt Nam nói chung./.



Bài viết về TP Hồ Chí Minh liên quan

1 2 3 4 5 6 7 Tiếp

Ghi chú bài viết Hội chùa Ông Bổn tại TP Hồ Chí Minh

Nếu xảy ra lỗi với bài viết Hội chùa Ông Bổn tại TP Hồ Chí Minh, hoặc nội dung chưa chính xác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để chúng tôi chỉnh sửa lại.
Từ khóa:
(lehoi.org) - Chùa Ông Bổn hay còn được gọi là (Nhị phủ miếu), Chùa tọa lạc tại đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5 (Thành phố Hồ Chí Minh), hàng năm có rất...